Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai 51 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 22 dự án nhà ở công nhân. Đến nay đã có 7 dự án nhà ở công nhân hoàn thành, với 4.000 căn hộ đủ điều kiện đưa vào sử dụng, nhưng số công nhân đăng ký mua quá ít, dẫn đến các dự án đang ế hơn 1.300 căn hộ.
Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu
Tình hình căng thẳng đến mức Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải vừa ký báo cáo số 108 gửi Bộ Xây dựng về việc tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở xã hội và triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Thực tế, như VnBusiness đã từng không ít lần phản ánh, tình trạng nhà ở công nhân “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu” đã xảy ra trước đó nhiều năm, ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước.
Cần sớm có giải pháp để hóa giải tình trạng nhà ở cho công nhân vẫn "vừa thiếu, vừa thừa". |
Ngay như tại Hà Nội, Tổ hợp dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (huyện Hoài Đức) mới đây thông báo chuẩn bị tiếp nhận hồ sơ mua nhà đợt thứ 27. Trước đó, tại lần mở bán thứ 26 vào tháng 4/2023, dự án này thông báo vẫn còn 42 căn chưa bán được và 86 căn chưa có người thuê.
Ông Đỗ Đình Quân, đại diện chủ đầu tư một dự án quy mô 450 căn hộ tại khu vực Tây Hà Nội cho hay, làm nhà ở xã hội rất khó, và không phải cứ làm ra là bán được. Dù dành cho người thu nhập thấp, nhưng chất lượng và vị trí vẫn phải đảm bảo.
Thời gian qua, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được hỗ trợ về quỹ đất, nhưng vì các địa phương thiếu sự quan tâm nên nhiều doanh nghiệp phải xếp hàng chờ “dài cổ”, đến khi được gọi tên thì được bố trí quỹ đất quá xấu, có tiền cũng không dám nhận vì sợ làm xong bán không ai mua.
“Biết là đất ưu đãi thì không nên đòi hỏi nhiều, nhưng ít ra thì cũng cần có những điều kiện tối thiểu là có đường giao thông kết nối, không quá xa các khu dân cư, công sở, trường học. Hoang vắng quá thì khó thu hút dân đến ở, doanh nghiệp tâm huyết cũng không dám làm”, ông Quân chia sẻ.
Cần giải pháp chống “ế”
Trở lại với thủ phủ công nghiệp Bắc Ninh, theo đánh giá của UBND tỉnh, sản phẩm bị “ế” là vì giá bán quá cao. Không chỉ căn hộ để bán, mà ngay cả nhà cho thuê cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Theo nghiên cứu của Công ty Cát Tường - một đơn vị chuyên triển khai các dự án nhà ở xã hội, công nhân thường chỉ bỏ ra 10 - 15% tổng thu nhập hàng tháng để lo nhà ở. Ví dụ lương 8.000.000 - 10.000.000 đồng, họ sẽ trích ra 1.000.000 - 1.500.000 triệu đồng/tháng để thuê hoặc trả tiền mua nhà.
Nếu vượt quá, họ sẵn sàng chọn nhà trọ không đảm bảo bên ngoài nhằm tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình. Bởi vậy, cả doanh nghiệp và người dân đều kỳ vọng các gói hỗ trợ cho nhà ở công nhân tới đây sẽ tính toán kỹ cách thức hỗ trợ, nhằm giảm giá thành những khu nhà cho thuê.
Bắc Ninh là địa phương được Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cao thứ 3 toàn quốc, sau Bình Dương, Bắc Giang. Đến năm 2025, tỉnh này phải có ít nhất 30.700 căn nhà ở xã hội và thêm 41.500 căn đến năm 2030.
"Có dự án nhà ở công nhân và khu nhà trọ chỉ cách nhau dãy phố, nhưng một bên nhà cửa khang trang vắng tanh còn một bên cho thuê trọ lại sầm uất. Giá thuê có thể chỉ cao hơn vài trăm nghìn nhưng điều kiện trong các khu nhà ở công nhân quá khắt khe cũng là một lý do khiến công nhân không mặn mà", ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Tường lấy dẫn chứng.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng, một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động mong muốn có thể đứng ra mua hoặc thuê nhà ở để bố trí cho công nhân ở.
Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2014 quy định loại hình này chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua, với đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân, không có quy định bán cho tổ chức, doanh nghiệp. Quy định này đã làm giảm bớt lượng khách của các dự án.
Có thể thấy, các chính sách phát triển nhà ở cho công nhân đang được đẩy mạnh, tuy nhiên, để hóa giải nghịch lý “vừa thừa, vừa thiếu”, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp thì “ế” trong khi người dân lại mòn mỏi xếp hàng đợi, các chuyên gia khẳng định cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định.
TS. Trần Xuân Lượng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đề xuất 4 nhóm giải pháp: Thứ nhất, cần có quỹ đất sạch bố trí cho nhà đầu tư. Thứ hai, giảm các thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội; ưu tiên về pháp lý, thủ tục thẩm tra, thẩm định. Thứ ba, tháo gỡ các vấn đề về nguồn vốn, ngoài nguồn vốn từ bán nhà ở hình thành trong tương lai, huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài, từ nguồn kiều hối… Thứ tư, giảm lãi suất ưu đãi xuống thấp hơn.
Trong khi đó, theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Luật Nhà ở sửa đổi lần này cần theo hướng Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về quỹ đất đai. Các chính sách về quỹ đất phải đủ mạnh để phát triển nhà ở xã hội.
Tại báo cáo vừa gửi Bộ Xây dựng, Bắc Ninh cũng đưa ra loạt đề xuất để tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong đó, tỉnh kiến nghị Bộ nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi đặc biệt hơn nữa đối với nhà lưu trú công nhân, nhà ở xã hội dành cho công nhân.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị sửa đổi các quy định, cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ trong các dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn, đảm bảo mục tiêu giảm giá nhà ở xã hội, phù hợp với thu nhập, khả năng chi trả của các đối tượng xã hội.
Hưng Nguyên