Ngay trong tháng 5/2018, Sở Cảnh sát PC&CC đã công bố danh sách 91 công trình cao tầng cần khắc phục các vi phạm, tồn tại về PCCC; tháng 6 công bố 108 công trình và tháng 7 tiếp tục công bố 88 công trình. Những công trình còn tồn tại này theo đánh giá của Cảnh sát PC&CC "ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và cuộc sống của cư dân của các toà nhà này".
Sau khi rà soát, kiểm tra các cơ sở, công trình nhà cao tầng vi phạm các quy định về PCCC trong quá trình hoạt động, liên tiếp trong hai tháng, Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội đã công bố gần 300 lượt các công trình vi phạm an toàn PCCC.
Nhiều công trình chậm khắc phục
Một điều mà dư luận rất quan tâm là trong danh sách có nhiều "ông lớn" trên thị trường bất động sản vi phạm. Có những "ông lớn" số lần vi phạm lên tới ba lần và đều chậm trễ trong việc khắc phục.
Trong số đó phải kể một số "ông lớn" như Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị (HUD) với 2/3 lần công bố có vi phạm. Đơn cử như trong danh sách công bố hồi tháng 5 với nhiều tòa chung cư vi phạm PCCC như tòa CT1 A và B; CT2 A và B; CT3 A và B; CT7 A và B tại Khu đô thị Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông; loạt chung cư Việt Hưng, quận Long Biên của HUD gồm GH3- GH4; GH5-GH6.
Loạt chung cư tại khu đô thị Tứ Hiệp ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì gồm CT4; CT5; CT6; CT15; CT16 của công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà dầu khí cũng có tên trong danh sách vi phạm PCCC.
Mới đây, trong danh sách 88 toà nhà vi phạm, HUD tiếp tục có 19 công trình chung cư cao tầng vi phạm về PCCC, bao gồm: tòa nhà OCT1-ĐN1, tòa nhà OCT2-ĐN3, tòa nhà OCT-ĐN1, Tòa nhà CT2 tại Khu đô thị Linh Đàm (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai); loạt các tòa nhà Nơ 2,3,4,5 ,6,7,8,9,18,1,20,21,22,2 3 tại Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai); tòa nhà Nơ 1A,B tại Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).
Tiếp theo là Tổng công ty nhà và đô thị thuộc Bộ Quốc phòng (MHDI) 2/3 lần công bố đều có các toà nhà vi phạm PCCC. Lần thứ nhất, chung cư M5 ở phố Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy; chung cư CT1; CT2; D22 ngõ 62 đường Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.
Lần thứ hai, các toà nhà A1, A2, A4, B1, B2, B3, B4, B5, B6, C1, C2, C3, C4, C5 Khu đô thị Cầu Diễn (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm).
Bên cạnh đó, còn nhiều "ông lớn" khác như Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà, công ty CP Tập đoàn Mường Thanh… đều bị Cảnh sát PCCC công bố hai lần.
Một số chủ đầu tư lý giải cho việc các công trình của họ vẫn còn nằm trong danh sách "đen" là do sự khác nhau trong việc áp dụng Luật. Nhiều công trình hoạt động trước thời kỳ 2012 vẫn được nghiệm thu công trình mặc dù không đảm bảo về PCCC vì căn cứ theo Luật PCCC 2001.
KĐT Cầu Diễn được xây dựng từ năm 2004 nên các điều kiện về hệ thống PCCC không theo tiêu chuẩn của năm 2013 |
Đúng theo Luật PCCC 2001
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc MHDI, cho biết các toà chung cư khu đô thị Cầu Diễn được xây dựng từ năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2006.
Trước khi đưa vào sử dụng năm 2006, cơ quan cảnh sát PCCC đã nghiệm thu theo quy định và chứng nhận các toà nhà đủ điều kiện PCCC. Quá trình quản lý vận hành, Tổng công ty thường xuyên cử kỹ thuật bảo dưỡng các trang thiết bị PCCC.
Tuy nhiên, hệ thống PCCC của các toà nhà theo thiết kế của Luật PCCC năm 2001, trong khi đó, hiện nay các toà nhà mới xây đều theo Luật PCCC năm 2013 có nhiều điểm khác, nên các toà nhà xây dựng từ những năm 2004-2006 không theo được tiêu chuẩn mới này.
Hệ thống bình chữa cháy, hệ thống còi báo cháy và đường ống nước cứu hoả vẫn đảm bảo hoạt động tốt. Duy chỉ có hệ thống phun nước tự động trên các trần nhà do theo thiết kế cũ không có và cửa ngăn khói lên các tầng là chưa đảm bảo do đang dùng cửa cuốn mà theo thiết kế mới sử dụng cửa kính.
Với những tồn tại của hệ thống PCCC tại các toà nhà trong khu đô thị, vị đại diện này cho biết, thời gian tới sẽ tập trung khắc phục. "Khó khăn nhất là các toà nhà này được xây dựng từ năm 2004 nên không có quỹ bảo trì chung cư. Tuy nhiên, Tổng công ty sẽ trích doanh thu từ cho thuê mặt bằng của các toà nhà để khắc phục", ông Nguyễn Ngọc Dũng nói.
Cũng như dự án của MHDI, các dự án của HUD tại Linh Đàm được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2001 đến năm 2003. Trao đổi với báo chí, đại diện của HUD cho biết, các toà nhà này trước khi đưa vào sử dụng cũng được cơ quan cảnh sát PCCC nghiệm thu các bước theo quy định và chứng nhận đủ điều kiện PCCC.
Tuy nhiên, hiện nay các toà nhà này HUD đã bàn giao công tác quản lý cho Ban quản trị (BQT) nhà chung cư. Do vậy, theo quy định tại Khoản 2, Điều 11 (Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016), công tác bảo trì chung cư và trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống PCCC là của các chủ sở hữu nhà chung cư (đại diện là các BQT nhà chung cư).
Theo đại diện của HUD, thực tế các BQT đã ký hợp đồng thuê các đơn vị có chuyên môn thực hiện công tác quản lý, vận hành, bảo trì cho các tòa nhà này. Hiện nay, HUD cũng đã yêu cầu các BQT cần kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị được thuê quản lý, vận hành, bảo trì thực hiện nghiêm túc các quy trình bảo trì mà Tổng công ty HUD đã xây dựng và bàn giao.
Minh Trang