Bàn về tình trạng ồ ạt phát triển các dự án khu du lịch tâm linh, nhiều ý kiến từ các nhà khoa học và người dân đều chỉ rõ thực chất đây là “loạn” với không ít sản phẩm sặc mùi kinh doanh tâm linh sau “bức bình phong” là xây dựng chùa chiền.
Dư luận bức xúc
Đó sẽ là nơi “hốt bạc” cho chủ đầu tư, chứ không đơn thuần là phục vụ nhu cầu thờ cúng hay tâm linh. Tuy nhiên, thảm hoạ môi trường nặng nề nhất từ các dự án tâm linh khi mà những cánh rừng bị cạo trọc, bức tử, lấp suối, xẻ núi, bạt đồi để lấy đất gây biến dạng địa hình, san lấp mặt bằng trái phép tràn lan, làm ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn…
Một phần quả đồi cạnh Quốc lộ 20 đã bị đào xới không thương tiếc để có đất san lấp mặt bằng cho dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen. |
Điều này tiềm ẩn nhiều hệ luỵ xấu làm rừng cạn kiệt, thời tiết trở nên cực đoan, thay đổi môi sinh, lũ lụt, sạt lở đất triền miên, gây bao nhiêu khổ ải, lầm than cho người dân địa phương.
Hãy nhìn vào những gì đang làm ở dự án du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen ở thôn 2, xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, do Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (công ty con của CTCP tập đoàn Hoa Sen) làm chủ đầu tư, để thấy vì sao dư luận bức xúc đến vậy.
Trong tháng 3/2022 vừa qua, sau nhiều phản ánh từ phía báo chí, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đạ Huoai và các sở, ngành liên quan rà soát hồ sơ, thủ tục có liên quan và tổ chức kiểm tra thực tế tại dự án.
Dự án này với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng trên diện tích gần 600 ha, đã chậm tiến độ hơn 4 năm, dù chỉ được Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp phép xây dựng 1 công trình với 6 hạng mục, nhưng điều đáng nói là có tới hàng chục hạng mục công trình kiên cố xây dựng trái phép ở sát Quốc lộ 20.
Đơn cử như khu vực 2 của dự án, chủ đầu tư cũng chưa lập quy hoạch 1/2.000, chưa lập quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng đã thực hiện xây dựng 11 công trình (với 41 hạng mục) xây dựng chưa có giấy phép xây dựng với diện tích 14.888 m2.
Đây chỉ là giọt nước tràn ly khi mà dự án này liên tục bị phản ánh lấp suối, bạt đồi và xây dựng trên đất tranh chấp với người khác, ngoài ra còn có dấu hiệu khai thác trái phép hàng triệu mét khối đất để phục vụ san lấp mặt bằng tại dự án.
Như hồi năm trước, để có đất san lấp mặt bằng, dự án đã đào xới một phần quả đồi cạnh Quốc lộ 20 khiến khu vực này trở nên nham nhở. Điều đó tạo ra tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông tại Quốc lộ 20 - tuyến đường trọng yếu của các tỉnh miền Đông - Tây Nguyên, nhất là thời điểm vào đầu mùa mưa.
Xử lý nghiêm được không?
Qua ghi nhận dư luận của VnBusiness cho thấy, điều mà người dân mong mỏi là các cơ quan có trách nhiệm, cơ quan bảo vệ pháp luật cần thực thi giải pháp xử lý thật nghiêm những sai phạm của chủ đầu tư nêu trên. Nhất là xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án.
Họ cho rằng phải có thế lực khủng mới có thể “tự tung tự tác” như vậy. Còn nếu tiếp tục buông lỏng quản lý đất đai, để xây dựng trái phép tràn lan ở những vùng rừng núi thì sớm muộn chủ đầu tư sẽ hợp thức hóa những gì đã làm bất hợp pháp trước đó. Khi ấy, hậu quả tàn phá thiên nhiên vô cùng tàn khốc mà người ảnh hưởng nặng nhất chỉ là dân nghèo. Và không có Phật tổ nào chứng đắc cho người xây chùa như vậy.
Cho nên, điều cần thiết phải xử lý triệt để, tránh “chìm xuồng”, thậm chí cần truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp cố tình vi phạm nhiều lần, gây hệ luỵ xấu về môi trường. Có như vậy mới lập lại kỷ cương khi mà thời gian qua có nhiều cá nhân và chủ đầu tư của các dự án du lịch tâm linh thường chọn phương án cứ làm trước xong rồi chịu phạt và hợp thức hóa sau.
Vấn đề này là lỗi do ai? Có thế lực nào chống lưng hay không? Giả sử phạt thật nặng, kiên quyết không hợp thức hóa thì xin hỏi cơ quan quản lý và chính quyền địa phương có làm được không? Bởi vì dư luận vẫn đang băn khoăn là mức độ răn đe của pháp luật vẫn chưa “đủ đô”, hoặc không có tác dụng với những ông chủ nhiều tiền của, cứ tùy tiện làm những gì mình muốn, bất chấp tất cả.
Qua tìm hiểu về dự án này thì nổi lên tên tuổi của ông Lê Phước Vũ, người vốn dĩ là chủ tịch của Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen - được cho là đóng vai trò chính yếu trong việc phát triển dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen. Ông Vũ cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Hoa Sen.
Cách đây 6 năm, cũng liên quan đến dự án nêu trên, ông Vũ là người thắng kiện một tờ báo điện tử ở phiên toà sơ thẩm tại Tp.HCM khi cho rằng tờ báo này đăng bài không chính xác về ông, phải cải chính, xin lỗi.
Theo phía tòa án, các chi tiết về việc ông chủ Tập đoàn Hoa Sen thi công dự án du lịch đã có những động thái “chèn ép nông dân, chặn mất nguồn nước, cắt luôn đường đi lên rẫy”, “phá nát con đường cũ”… là một chiều và không khách quan, dẫn đến việc đăng thông tin không đầy đủ, không chính xác.
Ngoài ra, toà án có xác định ông Vũ là chủ tịch và là người đại diện theo pháp luật của dự án. Tuy nhiên, đây là hai chủ thể pháp lý khác nhau nên việc xác định dự án của cá nhân ông Vũ là không chính xác.
Khi ấy, nhiều người vẫn cố tin vào uy tín của ông Vũ dù có hồ nghi về tính chất đúng sai đối với vai trò của ông Vũ ở dự án này. Nhưng nay thì mọi chuyện đã khác, đã tỏ tường hơn bao giờ hết về con người thật của vị đại gia này khi những sai phạm ở dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen được nhìn thấu rõ. Điều đó chẳng khác nào “vết trượt” về mặt uy tín của doanh nhân này.
Còn nhớ, hồi đầu năm nay, ông Vũ tuyên bố sẽ rút khỏi CTCP tập đoàn Hoa Sen vào năm 2026 và xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh (trong sạch, thanh tịnh) của một người tu hành. Ông chia sẻ từ lâu đã không còn mưu cầu vật chất. Giá trị sống của ông là tâm linh, tinh thần, còn vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích.
Đó là chuyện cá nhân của ông, dù cho thực tế lời nói không biết độ xác thực, tin cậy đến đâu. Chỉ biết là hiện giờ, dư luận đang nóng lòng chờ xem cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào trước những sai phạm triền miên ở dự án tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen.
Thanh Loan