Ngày 8/11, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), cho biết cơ quan này đang yêu cầu giải trình đối với 387 hồ sơ mua bán đất kê khai giá thấp hơn giá trị thực tế giao dịch, đồng thời chuyển công an điều tra 4 hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế.
Nhà đất “hai giá” vẫn nóng
Một trong 4 trường hợp có dấu hiệu trốn thuế là trường hợp của bà H.T.M.N. (TP Quy Nhơn) bán 250m2 đất cho ông P.N.N (huyện Tuy Phước), với giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng là 4 tỷ đồng, trong khi thửa đất này bên bán đã trúng đấu giá với số tiền hơn 6,3 tỷ đồng.
Trước đó, bà H.T.M.N. cũng bán cho bà M.T.Y. (TP Quy Nhơn) lô đất 127m2, với số tiền ghi trên hợp đồng là 2,5 tỷ đồng, trong khi giá trị lô đất khi trúng đấu giá là 4,77 tỷ đồng. Đồng nghĩa, sau 2 thương vụ, số tiền kê khai chênh lệch hơn 4,5 tỷ đồng so với giá trị trúng đấu giá.
Theo ông Tuấn, với những trường hợp có dấu hiệu “lách luật”, đơn vị sẽ ra thông báo đề nghị giải trình, cung cấp thông tin và tự giác kê khai bổ sung lại theo đúng quy định. Sau 2 lần ra thông báo, nếu người kê khai không chấp hành, ngành thuế sẽ phân loại để xử lý.
"Các trường hợp mà tổng số tiền thuế chênh lệch (thất thu) trên 100 triệu đồng thì đơn vị sẽ lập hồ sơ rồi chuyển sang cơ quan điều tra. Còn dưới 100 triệu đồng thì ngành thuế sẽ ấn định xử phạt hành chính", vị đại diện Chi cục Thuế TP Quy Nhơn thông tin thêm.
Không chỉ ở Bình Định, trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội về các vấn đề của thị trường bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng chỉ ra giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "2 giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế còn khá phổ biến.
Theo nguyên tắc, khi chuyển nhượng nhà, đất, người bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân 2%, người mua nộp lệ phí trước bạ 0,5% trên giá trị thực tế của giao dịch. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, người mua và người bán đều khai giá trên hợp đồng rất thấp, dẫn đến thất thu thuế.
Vẫn chưa có giải pháp triệt để để ngăn chặn nạn kê khai nhà đất "hai giá" khi chuyển nhượng. |
Việc vấn nạn nhà đất “hai giá” diễn ra tràn lan đã và đang gây ra những hệ lụy không nhỏ. Chị Trần Thị Huyền (TP.HCM), chia sẻ hồi đầu tháng 8/2022, chị quyết định xuống tiền mua một mảnh đất mặt tiền rộng 70m2 ở Tây Ninh, nhưng khi làm thủ tục chuyển nhượng thì bị cơ quan thuế trả lại với lý do “khai giá mua bán không đúng giá thị trường”.
Dù rất thất vọng, nhưng chị Huyền vẫn phải thừa nhận quyết định trên là đúng, vì mảnh đất mà chị mua có giá hơn 1,2 tỷ đồng song chỉ kê khai giá là 350 triệu đồng, tức “hụt” gần 4 lần giá thực. “Tại văn phòng thuế khu vực tôi nộp hồ sơ, có 10 bộ thì bị trả lại 8 với cùng một lý do”, chị Huyền nói thêm.
Đâu là giải pháp triệt để?
Chưa có thống kê chính xác, nhưng việc hàng loạt bộ hồ sơ bị trả lại cho thấy niềm tin của các cơ quan quản lý đang bị “lung lay”, hệ quả là quá trình hoàn thiện thủ tục mua bán nhà đất bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những người mua bán kê giá minh bạch.
Minh chứng là trong thời gian qua có nhiều trường hợp dù đã chứng minh kê khai sát giá, phương thức thanh toán rõ ràng, được ngân hàng định giá để cho vay tiền, cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu kê giá sai, nhưng hồ sơ thuế vẫn bị “treo” hàng tháng trời.
Hệ lụy là rất rõ ràng, vì vậy việc tìm ra giải pháp để triệt tận gốc vấn nạn kê nhà đất “hai giá” khu chuyển nhượng đang được các cơ quan quản lý và địa phương đặc biệt quan tâm.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ban hành bảng giá đất sát với giá thị trường. Cục thuế các địa phương như Hà Nội, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng có văn bản khuyến cáo người dân, doanh nghiệp kê khai trung thực giá chuyển nhượng bất động sản.
Có một thực tế là lâu nay thông tin thật về giá chuyển nhượng, mua bán trên thị trường nhà đất bị nhiễu loạn, trong khi Nhà nước chưa có một hệ thống thông tin chuẩn về giá giao dịch trên thị trường.
Ông Trịnh Xuân An, đại biểu Quốc hội, nhìn nhận việc định giá đất chính là mấu chốt của mọi vấn đề phát sinh khiếu nại, khiếu kiện thời gian qua. Vì vậy, nếu định giá đất sát giá trị thực, không chỉ bài toán nhà “hai giá”, mà cả tỉnh trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài cũng sẽ được giải quyết.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Anh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng để xây dựng bảng giá đất phù hợp với giá thị trường dù không dễ thực hiện nhưng là yếu tố then chốt. Các giao dịch về đất đai phải được quản lý và lưu giữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trước mắt, trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang được tiến hành, các cơ quan quản lý cần tính toán để xác định và phản ánh kịp thời giá trị đất đai. Khi có yếu tố làm thay đổi giá trị như quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng, vùng phát triển thì bảng giá phải thay đổi theo.
“Khi bảng giá đất sát với giá trị thị trường sẽ là căn cứ, cơ sở để người giao dịch tham khảo mua cao hoặc thấp hơn nhưng không quá nhiều. Một khi chênh lệch quá nhiều chỉ có hai trường hợp là Nhà nước không thay đổi kịp thời khi giá trị thật hoặc chỉ là giá bong bóng”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Hưng Nguyên