Từ cuối năm 2009, Dự án Luật Thuế nhà, đất gồm 15 điều đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, dự án luật này đã “lỡ hẹn”. Cho đến năm 2018, dự thảo Luật Thuế tài sản cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều người dân, doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan nhà nước. Sự việc lại được “khuấy” lên trong năm 2020, sau đó tiếp tục rơi vào im lặng.
Đề xuất rồi lại "bất động"
Khi dự thảo Luật Tài sản vừa được công bố đã gây ra làn sóng tranh luận gay gắt liên quan tới mức giá trị khởi điểm tính thuế, các loại tài sản đánh thuế, sử dụng tiền thuế, vấn đề thuế chồng thuế… Vì mức độ nhạy cảm và tính tác động rộng rãi tới cả xã hội cũng như những vấn đề đưa ra còn gây tranh cãi khiến dự thảo này sau đó đã bị gác lại.
Thực tế, tại các nước phát triển, nguồn thu thuế lớn nhất không nằm ở khoản phí đánh trên người dân như VAT, thuế phí xăng dầu, cầu đường mà là thuế về sở hữu tài sản và thu nhập chiếm tới 50% - 70%.
Còn tại Việt Nam, việc đánh thuế bất động sản (BĐS) được đánh giá như biện pháp thu thêm. Các chuyên gia cho rằng, với cách thức thu thuế BĐS như hiện nay, thì việc đầu tư vào BĐS có lợi hơn rất nhiều so với bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh. Thế nên, đã sinh ra hiện tượng các nhà đầu cơ mua đất, găm đất, găm nhà kinh doanh, khiến nhiều dự án đô thị bị bỏ hoang.
![]() |
Nếu Dự thảo Luật Thuế tài sản được thông qua có thể không ngăn chặn triệt để tình trạng các biệt thự, liền kề bỏ hoang nhưng cũng góp phần tăng thu thuế cho Nhà nước. Ảnh: TL |
Tại Mỹ, căn biệt thự có giá trị khoảng 1 triệu USD thì mỗi năm nộp tới 35.000 USD tiền thuế.
Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhiều người có nhiều tài sản, đánh thuế sẽ lộ ra sở hữu nhiều BĐS. Việc đánh thuế tài sản là để bảo vệ lợi ích cho người dân chứ không phải điều tiết xã hội.
Từ câu chuyện đánh thuế BĐS lại nhắc đến tình trạng các dự án bỏ hoang ở Hà Nội trong những năm vừa qua. Có thể việc đánh thuế chưa chắc đã hạn chế triệt để tình trạng này, nhưng ít nhất Nhà nước cũng thu được nguồn thuế khổng lồ.
Báo cáo của Thường trực HĐND TP. Hà Nội cho thấy, tổng hợp danh mục dự án chậm triển khai trên địa bàn, vi phạm Luật Đất đai, tồn tại từ thời điểm trước và sau giám sát năm 2018 đến hết tháng 4/2021 có 390 dự án chậm triển khai. Trong đó, 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai theo quyết định được phê duyệt; 324 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay có 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, 37 dự án chậm nộp tiền sử dụng đất, tổng số tiền gần 2.000 tỷ đồng. Trước tình trạng này, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất với Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Theo đó, biệt thự bỏ hoang 3 tháng sẽ áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, sau một năm vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự bỏ hoang từ 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.
Nhìn những khu đô thị bỏ hoang, dư luận không khỏi “xót xa”, bởi trong khi thiếu quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, thì những biệt thự/nhà liền kề bỏ hoang vẫn “trơ cùng tuế nguyệt”. Theo Bộ Xây dựng, cho đến hiện tại, Việt Nam mới đáp ứng được 42% chỗ ở cho người nghèo và người có thu nhập thấp.
Cần có lộ trình
"Khi các chuyên gia nghĩ nhiều giải pháp để giảm giá nhà thì thực tế chỉ cần đánh thuế BĐS như các nước phát triển, giá đất sẽ giảm hợp lý".
TS. Đinh Thế Hiển
Trở lại câu chuyện của Trung Quốc, nước này sẽ thu thuế BĐS áp dụng với tất cả các loại BĐS nhà ở và không phải nhà ở tại các vùng thí điểm (ngoại trừ một số loại hình nhà ở nông thôn). Người nộp thuế là người giữ quyền sử dụng đất và chủ sở hữu nhà ở. Từ đây đặt ra câu hỏi: Việt Nam có nên đánh thuế BĐS thí điểm tại một số thành phố hay không?
Chia sẻ với Vnbusiness, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc của Trung Quốc chỉ là một yếu tố tham khảo. Về thuế BĐS bao gồm nhà và đất, Việt Nam đã có dự tính từ cách đây 30 năm. Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng có đề xuất nhưng không nhận được sự đồng thuận của một số cơ quan nhà nước và người dân.
Theo quan điểm của TS. Vũ Đình Ánh, không nên lấy cớ Trung Quốc đề xuất đánh thuế BĐS để áp dụng theo. Mà việc đánh thuế này phải liên quan đến vấn đề nội tại của Việt Nam. Như đánh thuế BĐS sẽ tác động đến đất, các công trình trên đất và nó gắn với nhiều vấn đề lịch sử. Đây là luận cứ để đem ra bàn có áp dụng thuế BĐS hay không và áp như thế nào?
Điều mà ông Ánh băn khoăn là đánh thuế đất hay chỉ đánh thuế tài sản trên đất. "Vì thực tế hiện nay, việc đánh thuế đất cực kỳ vô lý, thuế đất phi nông nghiệp quá thấp. Đơn cử tại phố Hàng Trống (Hà Nội) trên diện tích 70m2 thuế đất đóng 2,1 triệu đồng/năm".
Nhìn rộng ra các nước phát triển, tài sản càng lớn thì đánh thuế càng cao, bởi vì họ phải bảo vệ tài sản cho chủ thể. Còn tại Việt Nam, bất cứ loại thuế nào cũng đều đánh trên doanh thu và thu nhập, kể cả trực thu và gián thu.
“Nếu ở các nước phát triển, việc thông tin về tài sản được công khai minh bạch, thì Việt Nam ngược lại. Thế nên cứ động đến tài sản là bị phản đối, bởi chính hệ thống thông tin không công khai cũng là căn cứ để phản đối”, ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, việc đánh thuế BĐS không hạn chế được tình trạng các khu đô thị bỏ hoang. Việc chống đầu cơ, chống đất hoang thì phải bằng cơ chế khác, chứ không được căn cứ vào thuế BĐS. Thuế BĐS là thuế phổ biến đánh trên quyền sở hữu sử dụng tài sản chứ không dùng để chống vấn đề đầu cơ hoặc để đất hoang hoá.
Trước đó, tại một cuộc tọa đàm do Đại học Kinh tế Quốc dân và Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức, các chuyên gia đã thống nhất quan điểm cần sớm nghiên cứu để đưa ra dự án Luật thuế tài sản. Việc “lỡ hẹn”, theo các chuyên gia là không nằm ở độ khó, phức tạp, hay nhạy cảm… mà là một số nội dung điều chỉnh chưa phù hợp và thiếu sự quyết tâm.
Tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhắc tới nội dung thu thuế tài sản và gợi ý Thanh Hóa thí điểm, nếu thành công có thể nghiên cứu áp dụng cho Hà Nội, TP. HCM.
Có lẽ, Việt Nam cũng cần đánh thuế BĐS như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới, có thể chưa ngăn chặn triệt để tình trạng các dự án bỏ hoang, nhưng cũng sẽ gia tăng thu thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo TS. Trần Đình Thiên, để Luật Thuế tài sản được thông qua thì cần rất nhiều thời gian, lộ trình, cần bàn rất sâu.
Phạm Minh