Tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với ban quản trị (BQT), giữa người dân với BQT trong quản lý, vận hành chung cư thời gian gian gầy đây bùng phát nhưng vẫn chưa có giải pháp nào tháo được ngòi nổ này.
Bùng phát mâu thuẫn
Năm 2019 có thể nói là năm bùng phát các mâu thuẫn chung cư trên cả nước. Riêng tại Hà Nội có hàng chục vụ việc xảy ra, có những khu mà cả hai bên cư dân và chủ đầu tư cùng gửi đơn lên Công an thành phố kiến nghị xử lý.
Mới đây, cư dân tòa chung cư cao cấp Hei Tower (số 1, Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân) đã xuống đường căng băng rôn kịch liệt lên án hành vi vi phạm an toàn PCCC của Trill Group; yêu cầu chủ đầu tư Hei Tower lập tức bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.
Chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) được coi là một điển hình tranh chấp sở hữu chung – riêng diễn ra trong nhiều năm mà không tìm được lời giải. Mặc dù chủ đầu tư là CTCP May Thăng Long đã nhiều lần bị cơ quan chức năng chỉ ra sai phạm nhưng đến nay, người dân vẫn tiếp tục “tố” doanh nghiệp này chiếm dụng diện tích chung như tầng kỹ thuật, nhà sinh hoạt cộng đồng… cho thuê thu lời.
Một dự án mang “mác quốc tế” là Booyoung tại khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, chủ tư là công ty TNHH Booyoung Vina (Hàn Quốc) từ đầu năm 2019 đã cho thuê hơn 600m2 tại tầng 1 của tòa căn hộ để làm nhà trẻ.
Trong quá trình này, chủ đầu tư đã làm thêm cửa nhôm kính bịt kín 2/3 diện tích hành lang, khu vệ sinh, sảnh và cửa ra vào tòa nhà tại tầng 1 thuộc diện tích sở hữu chung, không cho cư dân đi lại. Đại diện các hộ dân cho rằng việc quây lại cho thuê, chặn hành lang đi lại còn rất nguy hiểm về PCCC khi có sự cố xảy ra.
Gần đây, cư dân TNR GoldSilk Complex đã gửi đơn đến Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, Công an Tp. Hà Nội và các cơ quan thông tấn báo chí, liên quan đến những mâu thuẫn giữa cư dân và Ban quản lý (BQL) toà nhà về phí dịch vụ, quỹ bảo trì và vận hành. Tuy nhiên, BQL toà nhà cũng đã nêu những điểm sai của cư dân và BQT, đồng thời đã gửi đơn lên Công an Tp. Hà Nội kiến nghị xử lý vấn đề nhiều hộ dân chưa hoàn thiện phí dịch vụ trong gần một năm qua. Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là BQL toà nhà đã rút toàn bộ nhân sự không vận hành và bàn giao lại cho BQT chủ động thuê đơn vị quản lý vận hành khác.
Trước tình trạng bùng phát mâu thuẫn chung cư tại quận Hà Đông, lãnh đạo chính quyền cho biết, 9 tháng đầu năm 2019, quận phải giải quyết tranh chấp tại 18 tòa chung cư. Hiện, 30/68 tòa chung cư chưa xác định được phần sở hữu chung, riêng; 10/68 tòa chung cư chưa bàn giao được nhà sinh hoạt cộng đồng; 11/68 tòa nhà chưa bàn giao được quỹ bảo trì…
![]() |
Từ đầu năm đến nay xảy ra hàng chục vụ tranh chấp chung cư tại Hà Nội |
Thực thi luật kém?
“Các nội dung tranh chấp chủ yếu tập trung giữa chủ đầu tư và BQT, giữa người dân trong chung cư với BQT, phần sở hữu chung riêng giữa chủ đầu tư với người dân, về việc bàn giao quỹ bảo trì…”, vị lãnh đạo này nói.
Quận Thanh Xuân cũng nằm trong điểm nóng mâu thuẫn. Lãnh đạo quận cho biết hiện nay khi ký hợp đồng mua nhà, người mua nhà nộp cho chủ đầu tư bao gồm tiền mua nhà và quỹ bảo trì, do đó rất khó khăn cho việc thu lại phần quỹ bảo trì của chủ đầu tư để bàn giao cho BQT.
Hiện, trên địa bàn quận Thanh Xuân thành lập được 85/106 BQT tòa nhà, nhưng mới có 63 chung cư bàn giao quỹ bảo trì, còn các BQT khác chưa nhận được.
“Chúng tôi kiến nghị cấp cao hơn có quy định khi ký hợp đồng mua nhà thì tách quỹ bảo trì 2% khỏi tiền của chủ đầu tư, để chính quyền kiểm soát, khi thành lập BQT thì chuyển giao được ngay”, lãnh đạo quận Thanh Xuân nói.
Về những mâu thuẫn bùng phát này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang có những cái khó, thông thường các chế tài là yếu hoặc là quy định trong nghị định chưa hợp lý. Vì vậy, cần phải nặng hơn phần chế tài, phải cụ thể hơn phần chế tài.
“Xã hội của chúng ta là xã hội văn minh, pháp quyền, cho nên phải dần dần đưa tòa dân sự, tòa hành chính vào cuộc. Chính quyền không thể nào mà xử lý được các tranh cãi. Người dân mình rất thích ra công an, hơi tý gọi công an, hơi tý gọi UBND, các sở ngành người ta không có nhiệm vụ chức năng ấy”, ông Nam nói.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chúng ta phải hết sức tỉnh táo nhìn nhận cũng có những vấn đề không phải vướng mắc từ quy định của pháp luật mà là trong công tác thực thi pháp luật.
Quy định pháp luật có nhưng các chủ thể có trách nhiệm thực thi pháp luật thực hiện chưa hết trách nhiệm của mình. Chưa làm tốt những nhiệm vụ mà luật giao thì giải pháp chấn chỉnh ở đây không phải là sửa luật, mà là chấn chỉnh ở công tác thực thi.
Minh Sơn