Trong công văn 106/BC-HoREA, cho rằng Nhà nước chưa có cơ chế tiếp nối nhằm hỗ trợ tín dụng cho đối tượng chính sách để mua NƠXH; cho người thu nhập thấp đô thị để mua nhà ở thương mại giá rẻ; và cần giải quyết “điểm nghẽn” tín dụng cho thị trường BĐS, HoREA kiến nghị NHNN cho phép các trường hợp nhận nhà từ 1/1/2017 trở đi được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng.
Đau đáu vốn cho nhà giá rẻ
Tại văn bản trả lời, NHNN cho biết, “đối với các khoản giải ngân sau ngày 31/12/2016 sẽ được giải ngân từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại (NHTM) và áp dụng lãi suất theo thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng”.
Việc này dựa trên một loạt chỉ đạo điều hành chính yếu sau: Công văn 3954/NHNN-TD ngày 30/5/2016 của NHNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước 31/3/2016 của khách hàng liên quan tối đa đến 31/12/2016; Công văn 5344/VPCP-KTTH của Thủ tướng đồng ý với đề nghị của NHNN; Thông tư 25/2016/TT-NHNN của NHNN…
Về “cơ chế tiếp nối nhằm hỗ trợ tín dụng cho đối tượng chính sách để mua NƠXH” mà HoREA nhắc tới, NHNN dẫn ra Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý NƠXH như một quyết sách “xương sống”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định này, NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về cho vay vốn ưu đãi đối với NƠXH. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã ban hành các văn bản về quy định, quy trình nghiệp vụ, lãi suất cho vay… khi vay vốn NƠXH theo Nghị định 100/2015.
Nhà nước vẫn chưa có cơ chế tạo lập nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn để cung cấp cho thị trường BĐS?
Ngoài ra, nêu trong công văn 106/CV-HOREA, HoREA đã đề nghị NHNN có cơ chế để tính lãi suất cho vay hằng năm trong thời hạn 15-20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên thuộc loại căn hộ vừa túi tiền.
Trong văn bản hồi đáp mới nhất, NHNN cho biết: đối với những khoản vay thuộc các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ (chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng, cho vay NƠXH theo Nghị định 100/2015…), lãi suất cho vay được thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN.
Đối với các khoản vay theo cơ chế thương mại thông thường, các tổ chức tín dụng thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn.
Bao giờ có tín dụng dài hơi?
Một ý kiến của HoREA (được cho là “gãi đúng chỗ ngứa” của thị trường địa ốc lâu nay) là: Thị trường BĐS hoạt động trung hạn và dài hạn, nhưng Nhà nước chưa có cơ chế tạo lập nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn để cung cấp cho thị trường BĐS.
Về kiến nghị này, NHNN trước hết nhắc lại: Thông báo số 389/TB-VPCP ngày 6/12/2016 giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, hình thành một số định chế tài chính như Quỹ Tiết kiệm, Quỹ đầu tư BĐS, Quỹ Tín thác BĐS… để huy động các nguồn lực cho thị trường BĐS, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, NHNN đã có cơ chế tạo nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường nói chung và thị trường BĐS nói riêng thông qua việc cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn theo quy định (Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016 và Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014).
Tuy nhiên, NHNN khẳng định: “nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng chủ yếu là từ huy động tiền gửi của nhân dân. Do đó, phải được phân bổ, sử dụng an toàn, hiệu quả kinh tế nhất và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chính sách tín dụng”.
Một điểm đáng chú ý khác trong số nội dung kiến nghị từ HoREA tới NHNN là: “Đề nghị cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài; nhưng khi xảy ra tranh chấp phải được xử lý theo pháp luật của nước ta”.
Dẫn ra Khoản (2.d) điều 174 Luật Đất đai, HoREA đánh giá việc Luật Đất đai không cho phép thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài đến nay đã không còn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta.
Từ đây, làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực tài chính từ những tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, do chưa có căn cứ pháp lý để được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài, nhằm làm tăng thêm lòng tin và bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư.
NHNN trả lời là hiện Bộ TN&MT đang xây dựng “Đề án thí điểm việc thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài”. NHNN đã có Công văn 10059/NHN-PC ngày 30/12/2016 góp ý về dự thảo gửi Bộ TN&MT. Về vấn đề này, NHNN đề nghị HoREA liên hệ với Bộ TN&MT để được giải đáp.
Đông Hưng (ghi)