Theo ông Bùi Tiến Thành, Phó phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng), Hà Nội hiện có hơn 1.500 tòa chung cư cũ, đã được phân loại thành 4 cấp. Với nhà chung cư cấp D (cấp cực kỳ nguy hiểm), Sở Xây dựng tham mưu thành phố ra quyết định di dời và ra phương án tạm cư để đảm bảo an toàn cho người dân trong thời gian phá dỡ nhà chung cư.
"Bom" nổ chậm
Theo phân loại, cả thành phố có 10 nhà chung cư cấp nguy hiểm, trong đó có 4 nhà chung cư đã có chủ đầu tư tham gia xây dựng, 2 nhà nguy hiểm cấp D sắp hoàn thành. Hiện còn 4 nhà chung cư cấp D trên địa bàn quận Ba Đình nhưng thành phố chưa triển khai được, vì chưa có sự đồng thuận của người dân.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng nếu dùng hình ảnh quả bom nổ chậm khi nói về vấn đề của chung cư cũ, Hà Nội đang có đến gần 600 "quả bom" như vậy.
"Dù không muốn, nhưng có thể tự nhiên các chung cư xảy ra sự cố chẳng hạn. Vậy, vấn đề an toàn của công dân sẽ ra sao?", ông Huỳnh đặt vấn đề.
Về những khó khăn khi cải tạo chung cư cũ, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, chia sẻ từ năm 1998, khi cải tạo khu Kim Liên, Nhà nước đã bảo vệ lợi ích cho chủ đầu tư và người dân bằng cách cấp đất cho nhiều gia đình ở Mỹ Đình, Gia Lâm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chỉ dừng lại ở khu B, C.
Còn khu Nguyễn Công Trứ tuy đã lập dự án từ khá lâu nhưng không được sự đồng thuận của các bên và đến nay cũng mới chỉ cải tạo được 1 tòa. Tại khu Văn Chương, chủ đầu tư đưa ra giải pháp mua nhà của người dân, một số hộ không chịu bán và cuối cùng thất bại hoàn toàn.
Tại khu tập thể của Bộ Tài chính ở phố Lý Thường Kiệt nằm trong nội đô lịch sử không được thay đổi chiều cao tầng, mật độ dân cư, nhưng ở đây cũng không thống nhất được giữa chủ đầu tư và người dân.
Hay như khi triển khai nhà B6 Giảng Võ, người dân không muốn để chủ đầu tư bao thầu hết mà muốn tham gia vào nên kết quả chưa được khả quan.
Hà Nội hiện có hơn 1.500 tòa chung cư cũ, đã được phân loại thành 4 cấp |
Nhận diện vị trí để cải tạo lại
Theo ông Nghiêm, việc cải tạo chung cư nóng từ vài năm nay, đã có nhiều thí điểm được áp dụng nhưng cái khó nhất là chưa có thí điểm nào ưu việt để xây dựng thành khung pháp luật, mà mỗi một khu áp dụng một kiểu nên chưa bảo đảm hài hoà lợi ích cho các bên.
Đề xuất tháo ngòi cho 600 "quả bom" nổ chậm, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng, cho rằng Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm từ Trung Quốc. Khi bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ, người ở tầng 1 di chuyển đến nơi đền bù được một căn nhà kinh doanh và nhà ở; với người sinh sống trên các tầng cao có nhà ở và cho thuê.
"Đây là một kinh nghiệm thú vị mà tôi cho rằng Việt Nam có thể tham khảo và học tập", ông Điệp nói.
Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng phải có sự phân biệt khác nhau về thời kỳ xây dựng, vị trí địa lý, kỹ thuật xây dựng, chất lượng cuộc sống của người dân trong từng khu dân cư và đối chiếu với chính sách của Nhà nước qua từng thời kỳ… thì mới có thể cải tạo được.
"Chỉ khi nhận diện rõ được những điều này thì mới có khung chính sách cho từng loại chung cư, còn không thì kiến nghị của chúng ta chỉ dừng trên giấy mà thôi", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Nghiêm đặt vấn đề: "điểm mấu chốt cụ thể ở đây là đơn vị nào đứng ra làm việc phân loại và nhận diện này?".
Theo ông Nghiêm, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội cần nhận diện và phân loại rõ từng loại chung cư. Trên cơ sở đó có trình tự thực hiện các dự án cải tạo chung cư cụ thể khác nhau, không thể có một khung chính sách chung cho tất cả các loại chung cư.
Nhà nước phải xây dựng một tiêu chí đồng bộ, như những vấn đề đã chỉ ra như trên phải nhận diện, chứ không chỉ can thiệp vào một hạng mục nào đó, "đơn cử như do là chung cư hạng D nên chúng tôi ưu tiên cải tạo trước". Đây chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ.
Một vấn đề nữa là, để cải tạo chung cư cần đảm bảo lợi ích giữa ba nhà: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cần đề nghị giảm căn hộ chung cư, đồng thời cần xem xét lại chỉ tiêu diện tích sàn ở/người.
Ngoài bồi thường hỗ trợ tái định cư, Nhà nước cần có chính sách mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trên toàn thành phố và thuận lợi cho những người tự nguyện muốn ra khỏi chung cư.
Bên cạnh đó, nên thành lập cơ quan độc lập trực thuộc của UBND thành phố, phụ trách việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư.
Cuối cùng, việc lập quy hoạch các khu chung cư phải là tổng thể cả khu vực và phải do cơ quan nhà nước lập kế hoạch chi tiết và phê duyệt, đồng thời có đề xuất giải pháp cân bằng lợi ích giữa các bên.
"Khu vực nội đô lịch sử nên tôn trọng quy hoạch, còn các khu chung cư phía ngoài như tại Minh Khai nên cho xây cao tầng, do khu vực đó đã có nhiều nhà cao tầng được mọc lên rồi, vì vậy cần nhận diện vị trí để có đối sách khác nhau", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Minh Trang