Theo Colliers International Việt Nam- Tập đoàn hàng đầu thế giới về dịch vụ quản lý bất động sản và đầu tư, hiện nay giá chào thuê đất công nghiệp trung bình tại Hà Nội là 140 USD/m2/kỳ, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 90%. Do quỹ đất ở Hà Nội có hạn, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm đất ở khu vực “kiềng 3 chân” là Hưng Yên Hải Phòng, Quảng Ninh… nơi có giá thuê đất thấp hơn đáng kể.
Nhiều khu công nghiệp ven biển đang chờ nhà đầu tư
Còn theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), tính đến thời điểm hiện tại, khu vực miền Bắc đang có khoảng 63,5 nghìn ha đất công nghiệp được đưa vào quy hoạch với 238 khu, cụm công nghiệp đã hoạt động và đang được xây dựng. Năm 2021 là năm đánh dấu sự bùng nổ của thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc với tỷ lệ lấp đầy đạt mức cao và thu hút được nhiều doanh nghiệp hơn.
Biểu đồ phân bổ thị phần bất động sản Công nghiệp phía Bắc tính đến hết năm 2020. |
Đặc biệt, bất động sản công nghiệp ven biển đang nổi lên như một xu hướng mới mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Đơn cử như Quảng Ninh, một tỉnh đang có nhiều chính sách lớn để thu hút dòng vốn FDI đang nổi lên như một điểm đến mới của giới đầu tư. Quảng Ninh cũng là tỉnh sở hữu nhiều khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) lớn không chỉ của miền Bắc mà còn của cả nước. Đặc biệt, là tỉnh có nhiều tài nguyên khoáng sản, nguyên vật liệu như than đá, đá vôi… cùng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ ở mọi loại hình, Quảng Ninh có lợi thế tuyệt đối cho việc phát triển KCN cũng như bất động sản công nghiệp.
Nên cũng dễ hiểu vì sao Quảng Ninh đang là tỉnh thu hút vốn FDI lớn trong khu vực miền Bắc. Theo số liệu của tỉnh này thì kết thúc năm 2021, bất chấp những bất lợi do đại dịch COVID-19 gây ra, tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách của tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt trên 360 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 1,1 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ.
Theo quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp đến năm 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch thành lập phát triển 16 Khu công nghiệp với tổng diện tích trên 15.000 ha, hiện đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp thuộc 8 Khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập.
Việc gần đây có nhiều nhà phát triển hạ tầng KCN lớn trên thế giới đến với Quảng Ninh như: Tập đoàn Amata; Tập đoàn Marubeni; Tập đoàn GS E&C; Tập đoàn GS E&C… đã cho thấy, những tiềm năng của vùng đất này trong việc phát triển bất động sản công nghiệp thế hệ mới, đón những dòng FDI chất lượng từ các hiệp định thương mại tự do lớn mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.
Còn tại Hải Phòng, với mục tiêu đến năm 2050 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. Hải Phòng đang xúc tiến đầu tư xây dựng thêm 15 khu công nghiệp (KCN), tổng diện tích hơn 6.400 ha trong vòng 5 năm tới.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Hải Phòng có tiềm năng lớn để phát triển BĐS KCN. Đây là “mỏ vàng” hấp dẫn các nhà đầu tư khai thác với đầy đủ 5 loại hình giao thông, vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực phía Bắc. Hải Phòng cũng là tỉnh thu hút FDI thuộc top đầu cả nước, nhất là vốn FDI đổ vào các KCN, thị trường BĐS KCN do đó được kỳ vọng phát triển mạnh.
Theo nhận định từ Savills, Hải An, An Dương và Thủy Nguyên là ba điểm nóng của bất động sản công nghiệp Hải Phòng, khi có chung đường biên giới và khả năng tiếp cận tốt với sân bay, cảng biển, các trục đường chính.
Trong đó, An Dương là nơi hình thành khu công nghiệp đầu tiên của Hải Phòng. Nơi đây có khả năng kết nối tốt với các trục đường lớn như quốc lộ 5A, quốc lộ 10, quốc lộ 17B và tỉnh lộ 351. Khu vực này được các nhà đầu tư Nhật Bản ưa chuộng. Các khách thuê nổi tiếng bao gồm Fuji Seiko, Getz Pharma, Winel và Fujita Corporation.
Còn quận Hải An được các nhà đầu tư quốc tế đến từ Nhật Bản, Đức, Đài Loan, Mỹ và Singapore ưa chuộng. Các bất động sản công nghiệp ở đây có lợi cho hệ thống cảng biển đang phát triển của Hải Phòng. Các khu công nghiệp của Hải An là nơi có những khách thuê hàng đầu như Pyeong Hwa Automotive, Chevron, Knauf, Bridgestone và JX Nippon Oil…
Ông John Campbell, Giám đốc Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, Hải Phòng trải qua một năm 2021 đầy thách thức nhưng vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư và nhà phát triển. "Là cửa ngõ công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm, Hải Phòng đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn có giá trị kinh tế cao bao gồm sản xuất ô tô, điện tử, thiết bị điện và chế tạo máy. Đây là nơi đặt trụ sở của các công ty nổi tiếng như Vinfast, Pioneer, Bridgestone, Nakashima và Chevron", ông John Campbell nói.
Sức nóng của năm 2022
Từ phân tích trên, rõ ràng bức tranh bất động sản công nghiệp phía Bắc đang phủ một màu hồng. Cũng dễ hiểu vì sao khi đánh giá về tiềm năng BĐS công nghiệp miền Bắc nói riêng và BĐS công nghiệp Việt Nam nói chung, các chuyên gia của Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, với tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế định hướng xuất khẩu, gia tăng các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ, chính sách ưu đãi đầu tư và vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư BĐS công nghiệp trên toàn thế giới.
Các địa phương ở phía Bắc dành nhiều quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp, đón xu hướng đầu tư sau dịch Covid-19. |
Ông Chí Vũ, Trưởng bộ phận môi giới dịch vụ KCN Collier Việt Nam thậm chí còn ví bất động sản công nghiệp miền Bắc như thỏi nam châm hút vốn các nhà sản xuất cả trong và nước ngoài. Đặc biệt, giá thuê đất KCN ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, thấp hơn 20-33% so với Indonesia và Thái Lan chắc chắn sẽ còn thu hút các nhà đầu tư tới đây.
Mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect đưa ra dự báo, giá thuê đất sẽ tiếp đà tăng 6-10% so với năm 2021 ở cả phía Nam và Bắc, trong bối cảnh nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế.
Theo đó, bất động sản khu công nghiệp còn được trợ lực nhờ vào 4 xu hướng lớn của 2022. Đó là việc đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng. Việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021 cùng với hàng loạt dự án hạ tầng lớn sẽ là động lực cho nhóm bất động sản khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, xu hướng mở rộng sản xuất được thúc đẩy bởi doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. VNDirect dự báo, vốn FDI vào Việt Nam phục hồi mạnh trong năm 2022 nhờ vào kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu năm. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và chuyên gia quay trở lại Việt Nam và thúc đẩy đầu tư trong năm tới.
Việc thương mại điện tử bùng nổ, yêu cầu hàng tồn kho tăng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng giúp thúc đẩy nhu cầu đất khu công nghiệp cho các dịch vụ kho bãi… cũng sẽ khiến bất động sản công nghiệp tăng mạnh.
VNDirect đánh giá, việc đẩy mạnh mở rộng nguồn cung mới tại Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung. Do đó, nguồn cung đất khu công nghiệp dự kiến tăng 44.760 ha trong giai đoạn 2022-2025 để đáp ứng nhu cầu thuê đất đang ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam, trong đó sẽ đẩy mạnh mở rộng nguồn cung mới tại các khu vực này.
Trà My