Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Tào Văn Nghệ, lãnh đạo của hệ thống khách sạn Liberty, cho rằng những tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu trên thế giới vào Việt Nam càng nhiều, điểm đến của chúng ta càng mở. Tức là ngành dịch vụ khách sạn của Việt Nam sẽ càng cạnh tranh tốt với khu vực.
Sôi động M&A
Theo nhận định của giới chuyên gia, tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường khách sạn Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh. Điều này được minh chứng khi gần đây, nhiều thương hiệu lớn của Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc khách sạn tầm trung ở Đà Nẵng, Tp.HCM, Hà Nội nhằm đón đầu xu hướng khách du lịch làm việc từ các quốc gia Đông Á đến Việt Nam.
Năm 2016, dư luận Tp.HCM từng xôn xao khi công ty Saigon Boulevard Holdings Pte của Singapore mua lại khách sạn 5 sao InterContinental Asiana thuộc khu phức hợp Kumho Asiana Plaza Saigon từ phía đối tác Hàn Quốc.
Cũng trong năm 2016, Tp.HCM dường như nhộn nhịp hơn với các giao dịch M&A khách sạn khi có sự gia nhập của một vài nhà đầu tư mới. Điển hình như khách sạn Duxton Hotel Saigon ở quận 1 được chuyển nhượng và đổi tên thành Saigon Prince.
Ngoài ra, có thể thấy các đơn vị quản lý khách sạn danh tiếng trên thế giới như Accor, IHG, Marriott, Hilton và Starwood đã và đang tiếp tục hướng tới Việt Nam.
Theo nhận định của ông BT Tee, Tổng Giám đốc của UBM VES, việc M&A trên thị trường khách sạn Việt Nam của các nhà đầu tư ngoại đã cho thấy họ chấp nhận rủi ro để mong muốn tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, như trường hợp nhà đầu tư từ Singapore mua lại khách sạn InterContinental Asiana là họ đã có chiến lược riêng.
Ông BT Tee nhận định, sau khi M&A, có trường hợp thoái vốn nhanh nhưng cũng có những nhà đầu tư thoái vốn rất lâu vì chiến lược của họ thông thường là lâu dài. Vấn đề cho thấy M&A là hoạt động sôi động, có tính cạnh tranh trên thị trường khách sạn ở Việt Nam, càng chứng tỏ thị trường này chưa bão hòa.
![]() |
Tốc độ phát triển của thị trường khách sạn Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh
Nhiều tín hiệu tốt
Là một nhà đầu tư ngoại rót vốn mạnh vào lĩnh vực thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam, ông Didier Lachize, Tổng Giám đốc của New Viet Diary, cho biết khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp mình tại Việt Nam trong năm nay vào khoảng 30%, dựa trên những triển vọng tăng trưởng tốt của thị trường du lịch và khách sạn ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, phân khúc căn hộ khách sạn (condotel) cũng được cho là đang rất sôi động trên thị trường khách sạn. Giới chuyên gia dự báo, không chỉ trong năm nay mà những năm tới, các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài sẽ đổ tiền mạnh vào thị trường nghỉ dưỡng ở Việt Nam, trong đó bao gồm cả loại hình condotel. Đây là một xu hướng gần như hiển nhiên và hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Ngày 12/4, nhân buổi giới thiệu về diễn đàn “Đầu tư và Kinh doanh khách sạn tại Việt Nam” trong khuôn khổ triển lãm quốc tế Food & Hotel Vietnam 2017 tại Tp.HCM (diễn ra các ngày 25 – 27/4/2017), ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc công ty Tổ chức triển lãm thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã đánh giá rằng hoạt động M&A trên thị trường khách sạn ở Việt Nam là một tín hiệu rất tốt cho ngành du lịch.
Theo ông Trần Việt Dũng, trong giai đoạn 2010 – 2016, khách quốc tế đến Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình hằng năm cao hơn so với giai đoạn 2006 – 2010 (9,48% so với 8,95%), tăng hơn 1,57 lần. Dự báo đến năm 2020, du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 17 – 20 triệu lượt khách quốc tế và 82 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Hiển nhiên, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam cũng ngày càng phát triển nhanh chóng. Thống kê cho thấy, đến hết năm 2016, toàn ngành du lịch đã có 21.000 cơ sở lưu trú với 420.000 buồng (tăng 11% về số cơ sở và tăng 18% về lượng buồng so với năm 2015). Trong đó, có 797 khách sạn được xếp hạng 3 – 5 sao với hơn 80.000 buồng (gồm 104 khách sạn 5 sao, 230 khách sạn 4 sao và 463 khách sạn 3 sao).
Ông Dũng chia sẻ thêm, Việt Nam đang quyết tâm cạnh tranh với Thái Lan để trở thành điểm đến giải trí hàng đầu trong khối ASEAN trong mười năm tới. Theo đó, chính sách giá điện áp dụng cho khách sạn và những cơ sở khác sẽ được hạ xuống để thu hút các nhà đầu tư.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ ban hành mức thuế sử dụng đất phù hợp cho các dự án du lịch. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ giảm thủ tục nhập cảnh cho khách quốc tế. Theo đánh giá, chính sách miễn thị thực sẽ giúp nâng cao lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lên mức 13,5% theo năm đối với Tp.HCM, 39,3% theo năm đối với Hà Nội và 39% theo năm đối với Nha Trang.
Thế Vinh