Cho đến thời điểm này đã hơn 3 tháng cả nước trải qua đợt dịch bùng phát lần thứ 4, sức khỏe của nền kinh tế nói chung và của doanh nghiệp nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Sau đại dịch sẽ chỉ là thời điểm của những nhà đầu tư bất động sản (BĐS) còn dư tiền mặt, những nhà đầu tư còn mắc kẹt, các khách hàng đang có nhu cầu về nhà ở thực sẽ tạm lắng.
Sự quan tâm sụt giảm
Bước sang tháng 5, dịch bệnh như một cú bồi khiến thị trường BĐS thêm trầm lắng. Dù đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, thị trường BĐS vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy mức độ quan tâm đến BĐS, đặc biệt là phân khúc đất/đất nền tiếp tục sụt giảm mạnh trong thời gian dịch bệnh.
Đơn cử như các tỉnh/thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất ngay từ ngày đầu dịch là: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng; tiếp theo đó là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa –Vũng Tàu…
Theo chuyên gia, thị trường BĐS cuối năm sẽ khó có đột phá do kinh tế vẫn còn khó khăn bởi dịch bệnh. (Ảnh: TL) |
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc kênh thông tin Batdongsan.com.vn cho rằng, thay đổi thị trường ảnh hưởng hành vi tìm kiếm của đầu tư BĐS, giai đoạn quý I bùng nổ sự tìm kiếm quan tâm tăng lớn nhưng khi dịch xuất hiện thì giảm.
“Nhưng tình hình thay đổi từ tháng 7 trở đi với diễn biến dịch gia tăng, số lượng quan tâm tới BĐS bị ảnh hưởng khá lớn, giảm sâu nhất khi thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16”, ông Quốc Anh nhận xét.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, 6 tháng đầu năm cả chủ đầu tư và người mua chờ đợi quan sát, thậm chí lạc quan về kiểm soát dịch bệnh. Nhưng năm nay mọi việc diễn biến phức tạp, khó lường, thị trường BĐS càng khó khăn hơn.
Hiện nguồn cung tại TP.HCM tiếp tục sụt giảm, bước sang tháng 7-8 chưa thấy có diễn biến gì do giãn cách khiến cho các các chủ đầu tư không thể triển khai bất cứ hoạt động nào. Còn tại Hà Nội, dịch cũng diễn biến phức tạp, dẫn đến nguồn cung sụt giảm do thực hiện lệnh giãn cách.
Không chỉ ở hai thành phố lớn, hầu hết các tỉnh thành phía Nam cũng thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 nên các hoạt động giao dịch BĐS đều đóng cửa, chủ đầu tư không ra hàng mới, mức độ quan tâm đến nhà đất của giới đầu tư-đầu cơ cũng sụt giảm, kéo theo một loạt các lĩnh vực khác cũng đình trệ như vật liệu xây dựng, nhân công hiện đang thiếu.
Chỉ chững lại thời gian ngắn?
Một số chuyên gia BĐS cho rằng, với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường BĐS thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư BĐS.
Đánh giá về thị trường BĐS từ nay đến cuối năm 2021, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam nhìn nhận, thị trường sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động.
Phần lớn giao dịch trong thời gian này là các nhà đầu tư dài hạn - những người có tiền tích trữ trong ngân hàng hoặc nhiều nguồn khác để đầu tư, đây sẽ là nhóm khách hàng được hưởng lợi từ xu hướng giá BĐS liên tục tăng.
Cũng theo ông Khương, dù phải chật vật với nhiều thử thách dưới áp lực của dịch bệnh, song đây chỉ là sự chững lại ngắn hạn của thị trường BĐS trong nước.
“Trong kịch bản thị trường hồi phục, BĐS nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước”, ông Sử Ngọc Khương nói.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam nhận định, nhìn về dài hạn, BĐS Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng, vì với tỷ lệ đô thị hóa 35% - rất thấp so với hơn 50% của Thái Lan, hơn 60% ở Trung Quốc và một lượng lớn nhu cầu với gần 100 triệu dân.
“BĐS vẫn là nơi trú ẩn tài sản vừa đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác. Tôi cho rằng rất khó để xảy ra tình trạng mất thanh khoản và giảm giá, mức giá sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn không có dấu hiệu dừng lại”, ông Tuấn cho biết.
Như một lời khuyên dành cho các nhà đầu tư cá nhân trong nửa cuối năm 2021, ông Sử Ngọc Khương đưa ra một số điểm cần lưu ý, mỗi nhà đầu tư có nhu cầu khác nhau, kỳ vọng khác nhau, điều kiện tài chính khác nhau, nhưng đây vẫn là thời điểm tốt để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý, năng lực tài chính, cân đối quản trị rủi ro trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn vẫn là những yếu tố cần được cân nhắc khi quyết định đầu tư.
Hải Sơn