Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện có đến 215 dự án bất động sản đang xảy ra tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, với nội dung tranh chấp nhiều nhất là về phí bảo trì chung cư lên tới 36%. Còn tính riêng ở Hà Nội, có 71 chung cư hiện đang xảy ra tranh chấp.
Nhiều tồn tại chưa khắc phục được
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 840 nhà chung cư đi vào vận hành. Hiện nay, tại các chung cư còn tồn tại và nổi lên các vấn đề, như tranh chấp diện tích sử dụng, bàn giao quỹ bảo trì 2%, tranh chấp xây dựng, chuyển hóa tầng sinh hoạt chung thành căn hộ, chưa tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng không thành công, kết nối hạ tầng,…
Trong vòng hai năm nay, vấn đề quản lý chung cư được thành phố chỉ đạo quyết liệt, có kế hoạch khắc phục những tồn tại và hiện nay đã có sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, dần dần có giải pháp căn cơ.
Trong các tồn tại, Sở Xây dựng đã xác định được nguyên nhân, trách nhiệm. Cùng với chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan, cho đến thời điểm này, Sở Xây dựng đã có thống kê 71 tòa nhà còn vướng các vấn đề nêu trên.
Trong 71 tòa còn tồn tại các vấn đề, Sở Xây dựng đã kiểm tra 66 tòa nhà chung cư và đến hết tháng 10 kiểm tra các tòa còn lại. "Tuy nhiên, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền của các quận, huyện, thị xã. Chỉ có như vậy mới hạn chế được sự vi phạm của các chủ đầu tư", Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
Theo Bộ Xây dựng, 215 dự án còn tình trạng khiếu kiện, tranh chấp xảy ra tại các dự án bất động sản chủ yếu liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư; thành lập và quyết định công nhận ban quản trị nhà chung cư; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; xác định diện tích sở hữu chung – riêng; quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành; bàn giao nhà ở khi chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo quy định… gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương và tạo dư luận không tốt trong cư dân.
Trước đó, ở tại nhiều dự án tranh chấp về diện tích chung riêng, quỹ bảo trì… cư dân đã làm đơn đến các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, UBND tỉnh, thành phố, Bộ Xây dựng để có biện pháp khắc phục.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư và khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư; chế tài xử phạt các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng có liên quan; đôn đốc, hướng dẫn chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là pháp luật quy định về quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư đã ban hành. |
Xử lý nghiêm các hành vi trái quy định
Trước những diễn biến phức tạp và những mâu thuẫn chưa có hồi kết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư đã ban hành.
Chỉ thị cũng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp thành viên Ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định của pháp luật. Yêu cầu các chủ đầu tư và các chủ sở hữu căn hộ mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và pháp luật kinh doanh bảo hiểm.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các quận, huyện trên phạm vi địa bàn ban hành quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở; Ủy ban nhân dân cấp phường theo dõi, kiểm tra, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác phòng chống cháy, nổ; tổ chức tập huấn, diễn tập nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho cư dân; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, đặc biệt là các chung cư cao tầng có đông dân cư sinh sống, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm.
Các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, việc Chính phủ ban hành Chỉ thị này là một bước tiến mới trong việc xử lý những tranh chấp chung cư vừa qua. Đây cũng có thể là một chế tài để các ban quản trị, các doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc.
Minh Trang