Từ đầu tháng 10/2023 đến nay, anh Lê Đình Tiến, một nhà đầu tư “tay to” chuyên đất nền, liên tục đi qua nhiều huyện vùng ven Hà Nội như Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì... để “săn” hàng ngộp. Ưu tiên của anh là những lô có vị trí đẹp, tầm giá 1,5 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, nằm ven các trục đường chính.
“Cá mập” rục rịch trở lại
Đầu tháng 1/2024 vừa qua, anh Tiến "xuống tiền" mua một lô đất tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, diện tích hơn 200 m2, trong đó có 70m2 đất thổ cư, trị giá hơn 2,6 tỷ đồng. Mảnh đất này trước đó được rao bán 3,5 tỷ đồng, nhưng vì nhà đầu tư trước đến hạn thanh toán tiền vay nên phải bán gấp.
Theo anh Tiến, tại Đông Anh, ở một số điểm nóng như Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Xuân Canh, Uy Nỗ… xuất hiện mức giảm giá nhà đất 10 - 25%. Giá đất nền trong ngõ, ô tô có thể di chuyển, hiện dao động ở mức 33 - 38 triệu đồng/m2, thấp hơn so với mức rao 45 - 55 triệu đồng/m2 thời đỉnh sốt.
Giá đất nền mặt đường trên 5m có thể kinh doanh được có giá dao động từ 50 - 55 triệu đồng/m2, giảm khoảng 20 - 30% so với thời điểm sốt. Những mảnh đất nằm ở mặt đường lớn dẫn vào trung tâm có giá dao động từ 70 - 120 triệu đồng/m2.
Tình trạng đông khách hỏi, vắng khách mua khiến nhiều nhà đầu tư "ôm" nhiều đất ven đô có nhu cầu thoát hàng lo lắng. |
“Đặc điểm của nhà đầu tư mới là thích lao vào vùng sốt đất. Trong khi những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, giàu kinh nghiệm họ chọn mua lúc trầm lắng, bán khi sôi động. Vì vậy, không ít tay to đang tận dụng thời điểm này để săn tìm những sản phẩm giá rẻ”, anh Tiến cho hay.
Tương tự, anh Minh, một nhà đầu tư có “máu mặt” ở khu vực Sóc Sơn, cho hay trong thời gian qua, bất chấp sự trầm lắng của thị trường chung, đất nền vẫn là một trong những phân khúc “màu mỡ”, dễ kiếm tiền nhất của giới đầu cơ. Người thua lỗ thường chỉ là những nhà đầu tư non tay.
“Sự phát triển của cơ sở hạ tầng, dân số tăng là điểm tựa để nhà đất, đặc biệt là đất nền vùng ven còn dư địa tăng giá mạnh, thanh khoản sẽ phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đất ven đô cũng đang chuyển từ lướt sóng sang dài hạn từ 3 - 5 năm”, anh Minh phân tích.
Kết quả thăm dò của VnBusiness cũng cho thấy, dù chưa thực sự hồi phục rõ nét, tuy nhiên phân khúc đất nền tại nhiều khu vực vùng ven Hà Nội đã bắt đầu ấm lên.
Môi giới nhà đất sau thời gian “bốc hơi” khỏi thị trường đang rục rịch trở lại và đẩy mạnh rao bán đất nền. Lướt trên các trang mua bán bất động sản cũng không khó để bắt gặp các thông tin về đất nền trong tầm giá 2 - 4 tỷ đồng đang được đăng tin rao bán rầm rộ sau thời gian dài im ắng.
Vẫn đông khách hỏi, ít khách mua
Có thể thấy, mức độ quan tâm đến thị trường nhà đất ven đô đang tăng nhiệt, không ít “tay to” cũng bắt đầu trở lại, song thực tế chỉ ra số lượng giao dịch được chốt vẫn khá hạn chế. Tình trạng đông khách hỏi, vắng khách mua khiến các nhà đầu tư “ôm” nhiều đất có nhu cầu thoát hàng như “ngồi trên đống lửa”.
Đơn cử như trường hợp của anh Trần Thế Khải, một nhà đầu tư “tay ngang”, cho biết vào giữa năm 2022, khi thấy bạn bè liên tục bàn tán về nhà đất, anh “đánh liều” xuống tiền chốt một lô đất ở Sóc Sơn, diện tích 70 m2, trị giá gần 2 tỷ đồng.
Đến gần đây, anh rao bán lại lô đất này với giá ngang bằng mức mua vào nhưng mãi chưa có khách chốt. Một số môi giới khuyên nên đợi thêm đến sau Tết. Nếu cần bán ngay, anh phải cắt lỗ khoảng 300 triệu đồng.
“Sở dĩ tôi rao bán lô đất này vì trong số gần 2 tỷ đồng đầu tư, tôi đi vay 800 triệu đồng. Sau thời gian dài gồng lãi, quá mệt mỏi nên tôi muốn bán để cắt nợ, tìm cơ hội khác. Khi thấy thị trường khởi sắc hơn, tôi đã hy vọng có thể bán hòa vốn hoặc có lãi một chút, nhưng thực tế thì khách hỏi đông nhưng ai cũng ép giá quá thấp. Môi giới bảo đợi đến sau Tết, nhưng sau Tết là đầu năm hay cuối năm thì không rõ”, anh Khải chia sẻ.
“Gồng đến bao giờ?” cũng đang là câu hỏi của rất nhiều nhà đầu tư đang ôm nhiều nhà đất có nhu cầu thoát hàng để thu hồi vốn hoặc tất toán nợ. Và câu trả lời, theo chuyên gia, có thể cần thêm ít nhất 2-4 quý nữa, tức vào cuối năm 2024 nếu các chính sách gỡ vướng của Chính phủ ngấm đủ nhanh.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc thị trường DKRA Group, đánh giá từ nay đến cuối năm, diễn biến của bất động sản sẽ theo hướng tích cực hơn. Nguồn hàng không nhiều nên sức cầu chung toàn thị trường dự kiến cũng tăng nhờ vào động thái giảm lãi suất và tâm lý mua bất động sản của cả nhà đầu tư và khách mua ở thực vào cuối năm lên cao.
Dù vậy, theo ông Thắng, chưa thể kỳ vọng bất động sản sẽ khởi sắc ngay. Nửa đầu năm 2024, thị trường sẽ bớt khó khăn hơn hiện tại nhưng để "đảo chiều" thành công, gần nhất cũng phải nửa cuối năm 2024. Các sản phẩm đầu tư, đầu cơ sẽ mất thêm từ 2-3 quý nữa để vực dậy thanh khoản.
Trong khi đó, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, từng nhận định, thị trường đang ngập tràn thông tin “cắt lỗ”, “xả hàng”… nhưng thực tế chỉ là giảm một phần lợi nhuận.
“Nếu không thể đi đường dài, trước sau gì cũng phải giảm, vậy nên thay vì rót thêm tiền để gồng lỗ, các nhà đầu tư bị ngộp nên cân nhắc mạnh tay giảm sâu hơn để thoát được hàng, thu hồi dòng tiền tái đầu tư. Việc gồng quá sức chỉ khiến thiệt hại càng lớn hơn”, ông Quang khuyến cáo.
Hưng Nguyên