Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng sản phẩm chào bán các dự án trên cả nước quý I/2020 (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt hơn 53.200 sản phẩm nhưng chỉ giao dịch thành công hơn 7.600 sản phẩm (tỷ lệ hấp thụ 14,3%).
Ngành bất động sản “ngã quỵ”
Trong đó, lượng cung mới chào bán gần 18.700 sản phẩm (hơn 8.350 căn hộ chung cư; hơn 10.300 nhà ở thấp tầng). Giao dịch thành công hơn 2.750 sản phẩm (tỷ lệ hấp thụ 14,8%, chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019).
Riêng phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng (condotel), có hơn 41.000 sản phẩm đưa vào sử dụng, chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số 139.281 sản phẩm được đầu tư xây dựng.
HoREA cho biết, có đến 800/1.000 sàn giao dịch BĐS trong cả nước phải ngừng hoạt động. Còn theo số liệu nghiên cứu của Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, số doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS tạm ngừng hoạt động tăng cao nhất, tăng 94,1%. Đồng thời số DN BĐS thành lập mới giảm đến 12% (đứng thứ 2) trong quý I so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI quý I của cả nước đạt 8,55 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BĐS sụt giảm mạnh, đạt 264 triệu USD, chỉ chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, tụt xuống vị trí thứ 4.
Theo HoREA, thị trường BĐS Tp.HCM quý I chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, bao gồm 2.700 căn hộ chung cư và 80 nhà thấp tầng, giảm 22% so với cùng kỳ và giảm gần 70% so với quý trước.
Như vậy, nhìn tổng thể, thị trường bất động sản quý I/2020 bị trầm lắng, nhất là tháng 3 và nửa đầu tháng 4 gần như bị "đóng băng". Giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.
Thêm nữa, tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các DN BĐS.
“Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cùng với những khó khăn của thị trường BĐS trong 2 năm 2018 và 2019 cũng là phép thử sàng lọc thị trường, loại bỏ những DN yếu kém hoặc làm ăn kiểu chụp giật”, Chủ tịch HoREA Nguyễn Hoàng Châu nhìn nhận.
Bất động sản là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Internet) |
Điểm sáng thu hút vốn sau đại dịch
Đề xuất những giải pháp hỗ trợ DN BĐS và người mua nhà vượt qua khó khăn đại dịch, ông Châu cho biết, HoREA đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho các DN được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Đồng thời, cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, kiến nghị Chính phủ đưa các DN đầu tư, kinh doanh dịch vụ BĐS vào nhóm được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ.
HoREA đã đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với DN có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3 - 6/2020 và chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng.
Để thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng trở lại sau dịch, HoREA cho rằng, với tăng trưởng kinh tế luôn cao, ổn định chính trị và mới đây là công tác kiểm soát đại dịch tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kích cầu tiêu dùng trong lĩnh vực nhà ở.
“Đặc biệt, nhà ở phân khúc thương mại, có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội vẫn là phân khúc chủ đạo, đáp ứng nhu cầu thực của đa số người tiêu dùng, hiện đang rất thiếu nguồn cung”, ông Châu nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính cũng kiến nghị Chính phủ cần xem xét lại việc quy định người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo hướng mở rộng tỷ lệ được mua tại các dự án nhà ở thuộc phân khúc cao cấp cũng như các phân khúc khác của thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Châu, hiện nay, lĩnh vực BĐS đang gặp phải một điểm nghẽn “cốt tử” đó là “thể chế pháp luật - hành chính”. Để tháo được điểm nghẽn này, HoREA đã đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật Đất đai 2013 sau Đại hội XIII của Đảng.
Trong lúc chưa xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013, rất cần Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định thi hành Luật. Trong đó có yêu cầu giải quyết các vướng mắc về các thửa đất rạch, bờ đất, kênh mương nội đồng do Nhà nước quản lý, thường có hình dạng bất định hình, nằm rải rác, xen cài trong các dự án nhà ở, đang làm ách tắc nguồn cung dự án nhà ở.
Bên cạnh đó, hiện Tp.HCM có 126 dự án nhà ở bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng, do có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp… mà nguyên nhân do quy định về “đất ở” tại Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở.
Phạm Minh