Hiện có tới 80% doanh nghiệp lên kế hoạch sử dụng không gian làm việc chung. |
Báo cáo “Tương lai của văn phòng làm việc: không gian chia sẻ cho các tập đoàn lớn (từ góc nhìn Đông Nam Á)" do WeWork và IDC công bố gần đây cho thấy, 93% số doanh nghiệp cần điều chỉnh không gian làm việc cho phù hợp với kỳ vọng của thế hệ trẻ trong khu vực. Có tới 80% số doanh nghiệp tại Việt Nam lên kế hoạch sử dụng không gian làm việc chia sẻ trong vòng từ 1 - 3 năm tới, cao hơn mức trung bình của khu vực.
Đa dạng khách thuê
Văn phòng làm việc không gian chia sẻ không còn là nơi dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp khởi nghiệp ít nhân viên và muốn tiết kiệm chi phí, mà nhiều doanh nghiệp lớn giờ đây cũng chuyển sang thuê văn phòng chia sẻ. Giải pháp này không chỉ nhằm tiết kiệm chi phí mà còn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhân sự nhanh và tận dụng các dịch vụ chuyên nghiệp ở các tòa nhà văn phòng.
Được thành lập vào 2018, từ một doanh nghiệp có lực lượng nhân sự vài trăm người, nay Tiki đã "phình" lên đến 5.000 người. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm, Tiki đã 8 lần thuê, chuyển đổi văn phòng để có đủ chỗ cho nhân viên làm việc. Việc thay đổi văn phòng làm việc kéo theo lãng phí đầu tư cơ sở vật chất văn phòng và tâm lý nhân viên không ổn định.
Gần đây, những doanh nghiệp lớn có nhu cầu tăng trưởng nhân sự mạnh mẽ như FPT Softwave cũng sử dụng dịch vụ thuê văn phòng của đơn vị cung cấp dịch vụ văn phòng chia sẻ.
Tương tự như Tiki, số lượng nhân viên của FPT Softwave tăng lên một cách nhanh chóng. Tính đến đến năm 2018, doanh nghiệp này có 15.000 nhân sự, đến năm 2019 tuyển thêm 5.000 nhân sự nữa. Dự kiến năm 2020, doanh nghiệp này cũng sẽ tuyển dụng thêm vài nghìn nhân sự.
Để “chấm dứt” quãng thời gian đi thuê văn phòng truyền thống, FPT Softwave đã chuẩn bị thuê văn phòng không gian chia sẻ để đáp ứng cho sự tăng trưởng số lượng nhân viên.
Theo khảo sát, đa phần lĩnh vực kinh doanh như bán hàng trực tuyến, bảo hiểm, chứng khoán… tăng số lượng thuê văn phòng chia sẻ.
Ngoài những khách hàng là doanh nghiệp lớn, nhỏ trong các lĩnh vực này, hiện còn có cả các cơ quan chính phủ quốc tế như Snow, ProChile (Ủy ban thương mại của Bộ Ngoại giao Chile) và Decision Lab… cũng thuê văn phòng chia sẻ.
Từ xu hướng đến "lên ngôi"
Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, nhu cầu khách thuê văn phòng truyền thống đã giảm trong 9 tháng vừa qua. Thay vào đó, để tiết kiệm chi phí cũng như đảm bảo việc tăng số lượng nhân sự, một số doanh nghiệp như bất động sản, startup ICT đã chuyển sang thuê văn phòng chia sẻ.
Một số chuyên gia cho biết, hiện mô hình văn phòng làm việc chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ với lượng thuê ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng thuê dịch vụ văn phòng chia sẻ để đáp ứng nhu cầu mở rộng trong tương lai để họ có thể tập trung vào chuyên môn, không phải lo tìm kiếm và thiết lập văn phòng mới.
Năm 2019, chỉ riêng ở Hà Nội và TP.HCM, hệ thống văn phòng chia sẻ với thương hiệu Up đã có đến 100.000 m2 văn phòng chia sẻ cho thuê, tăng gấp 2,5 lần so với tổng số diện tích mà thương hiệu này phát triển trong vài năm trước đó.
Cách đây một năm, khoảng 60% doanh thu của Up đến từ các khách hàng doanh nghiệp lớn, từ các khách hàng truyền thống là doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp là 40%. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ tương tứng là 96% và 4%.
Hay như WeWork - một đơn vị cho thuê văn phòng chia sẻ tại Việt Nam, gần đây cũng hướng sang cho các doanh nghiệp lớn thuê văn phòng làm việc. Đáng chú ý, trong khi các phân khúc bất động sản khác giảm, thì kể từ tháng 1/2020 đến nay, lượng khách thuê văn phòng chia sẻ của WeWork tăng 13%.
Lý giải nguyên nhân văn phòng chia sẻ “lên ngôi” trong thời điểm này, đại diện WeWork cho rằng, dịch Covid-19 đã khiến các công ty ưu tiên cân nhắc lựa chọn các không gian làm việc chia sẻ. Nhiều công ty hiện tại đang chuyển từ các hợp đồng thuê văn phòng dài hạn sang sử dụng các không gian làm việc chia sẻ.
Theo phân tích của Up, xu hướng các doanh nghiệp lớn thuê văn phòng cố định tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ văn phòng chia sẻ ngày càng nhiều do tiết kiệm được chi phí, linh hoạt được không gian văn phòng và chuyên nghiệp hóa dịch vụ.
Một số chuyên gia bất động sản dự báo, việc các doanh nghiệp lớn thuê không gian cố định tại các đơn vị cung cấp dịch vụ văn phòng làm việc chia sẻ là hướng phát triển rất mạnh tại thị trường bất động sản Việt Nam.
Cùng góc nhìn trên, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, sau dịch bệnh, xu hướng của thị trường văn phòng có thể được định hình lại từ các xu hướng mới. Theo đó, khách thuê có thể sẽ đề cao các phương pháp làm việc linh hoạt hơn, như thuê các không gian làm việc chung hoặc phân bổ nhân lực ra nhiều văn phòng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố.
Với xu hướng này, việc 80% số công ty tại Việt Nam có kế hoạch sử dụng không gian làm việc chia sẻ là hoàn toàn hợp lý, bởi họ có thể linh hoạt trong bố trí cách làm việc, mở rộng được không gian cho nhân viên và tiết giảm được chi phí.
Phạm Minh