Năm 2023, theo giới chuyên gia, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản sẽ bước vào thời kỳ tái cơ cấu mạnh mẽ theo xu hướng giảm các sản phẩm, dự án mang tính chất đầu cơ, tăng cường các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực, có khả năng xoay vòng vốn nhanh.
Thay đổi hoặc “chết”
Thực tế thì không đợi bước sang năm mới, mà ngay từ quý cuối năm 2022, khi thị trường bất động sản bắt đầu ngấm đòn siết tín dụng, thanh khoản xuống thấp, chi phí đầu vào gia tăng… các doanh nghiệp đã bắt đầu công cuộc tái thiết, cắt giảm các dự án ít tiềm năng.
Đơn cử như Novaland, trước những khó khăn chung của thị trường, doanh nghiệp này đang buộc phải tái cấu trúc, rà soát lại các hoạt động kinh doanh và tập trung vào mảng kinh doanh lõi.
“Chúng tôi đang tạm hoãn đầu tư các dự án chưa triển khai, chờ thời điểm phù hợp hơn. Công ty cũng đẩy mạnh tiết giảm chi phí nhằm tạo ra các sản phẩm phù hợp với diễn biến hiện tại, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận cho khách hàng”, ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Novaland, chia sẻ.
Theo tìm hiểu, trong thời gian tới, Novaland sẽ thu xếp nguồn vốn và tập trung nguồn lực tối đa để hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án ở trung tâm TP.HCM.
Bất động sản năm 2023 vẫn đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp nhằm đứng vững. |
Tương tự, một “đại gia” bất động sản khác là Phát Đạt cũng đang thực hiện một cuộc “đại phẫu” về sản phẩm nhằm tăng sức hút với khách hàng. Cụ thể, trong bối cảnh thanh khoản xuống thấp, công ty đang chủ động đa dạng cách thức bán hàng và hình thức thanh toán.
Ông Bùi Quang Anh Vũ, CEO của Phát Đạt, cho biết nếu trước đây, công ty chỉ tập trung bán sỉ dự án cho các đơn vị khác và không quan tâm họ bán hàng như thế nào, chỉ cần thu tiền về đúng tiến độ. Thì bước sang năm 2023, đơn vị tập trung vào 3 điểm mấu chốt.
Thứ nhất là đảm bảo có sự tài trợ tài chính cho người mua. Thứ hai là đưa ra nhiều hình thức thanh toán hấp dẫn để khách hàng chọn lựa. Thứ ba là chuẩn bị những sản phẩm chất lượng tốt nhưng có giá bán hợp lý, pháp lý rõ ràng và quy hoạch hoàn chỉnh.
Hiện Phát Đạt đang đẩy nhanh tiến độ dự án Cadia Quy Nhon (Bình Định), đồng thời sắp tới đưa vào kinh doanh một dự án khoảng 5.000 căn hộ cao cấp ở Bình Dương và một dự án nghỉ dưỡng ở Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Phải “tự cứu mình”
Một điểm chung giữa Novaland và Phát Đạt là cả hai đang tăng cường hợp tác quốc tế để tìm kiếm dòng tiền bền vững. Đây cũng là xu hướng chung của hầu hết các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh tín dụng bị siết chặt.
Điển hình như Nam Long, thông qua các đối tác như Keppel Land, Mekong Capital, hay các dự án như Nishi-Nippon Railroad, Hankyu Hanshin... công ty không chỉ tận dụng được năng lực để phát triển sản phẩm mà còn có khả năng huy động vốn ở những thị trường giá rẻ.
Doanh nghiệp này cũng đang có chiến lược lâu dài để xây dựng uy tín trên thị trường tài chính, qua đó đẩy mạnh huy động trái phiếu cho nguồn vốn trung và dài hạn.
Cùng với đa dạng kênh huy động vốn, các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh cũng đang tận dụng thời cơ đẩy mạnh hoạt động M&A nhằm mở rộng quỹ đất, chuẩn bị cho chu kỳ hồi phục.
Minh chứng là thời gian qua, hoạt động phát triển quỹ đất vẫn diễn ra sôi động. Cụ thể, theo báo cáo của Dat Xanh Services, hoạt động thâu tóm quỹ đất diễn ra mạnh mẽ ở cả 3 miền. Miền Bắc với sự hiện diện của các tên tuổi lớn như Đất Xanh Group, CapitaLand, KeppelLand, Kita group…
Ở phía Nam, có sự hiện diện của loạt tên tuổi như Novaland, DIC Corp, GamudaLand, Khang Điền, DXG… Trong đó nổi bật có dự án DIC Victory City tổng diện tích hơn 83 ha tại Hậu Giang, Quỹ đất DXG tại Đồng Nai với tổng quy mô 152 ha, hay GamudaLand mua lại dự án Uni Galaxy trị giá gần 1.300 tỷ đồng…
Không thể phủ nhận, cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, nhiều biện pháp gỡ khó cũng đã được Chính phủ đưa ra. Điển hình như Ngân hàng Nhà nước liên tục nới room, bơm vào thị trường gần 440 nghìn tỷ đồng trong thời điểm cuối năm. Đặc biệt trong 3 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây không phải để "giải cứu", mà chỉ là hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường tự điều tiết.
Đồng thời, các chính sách cũng nhằm hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu... từ đó tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhưng trong bối cảnh khó khăn bủa vây, theo vị đại diện HoREA, doanh nghiệp không thể chỉ chờ chính sách mà phải thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm "tự cứu mình" để tồn tại, chờ cơ hội bật lên. Vì vậy, những động thái tái thiết hiện tại của nhiều công ty địa ốc là rất cần thiết và kịp thời.
Hưng Nguyên