Hơn 70 dự án bất động sản nghỉ dưỡng trải dài ven biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đã được cấp phép từ hơn 10 năm trước, song đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể triển khai xây dựng đúng tiến độ, đây là thông tin rất bất ngờ được lãnh đạo một doanh nghiệp tiết lộ về tình hình đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà hiện nay.
Trong thời gian qua, hàng loạt dự án bất động sản du lịch trong số này đã nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, người đại diện mà chính quyền tỉnh không hề hay biết.
Quyết định "sửa sai"
Dự án do công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư với người đại diện pháp lý ban đầu là ông Ngô Văn Dũng, Ngô Phi Hùng, với tổng số vốn đầu tư lên đến 33 triệu USD, động thổ từ đầu năm 2014 trên diện tích 10,3 ha mặt đất và mặt nước biển, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn là bãi đất trống. Và khi dự án này có liên quan đến khiếu nại thì người đại diện pháp nhân lại là bà Hồng Kim Yến, Tổng Giám đốc công ty.
Theo ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Khánh Hòa, việc chuyển nhượng tại dự án Nha Trang Sao là chuyển nhượng doanh nghiệp chứ không phải chuyển nhượng dự án đầu tư. Tên công ty và tên dự án đều không thay đổi.
Nguyên nhân của việc nhiều dự án thay đổi chủ đầu tư mà chính quyền tỉnh không hay biết được nhiều chuyên gia lý giải là do các dự án đã lợi dụng việc chuyển nhượng cổ phần, thay đổi giấy phép kinh doanh để chuyển nhượng dự án sai quy định.
Chính vì thực trạng này, mới đây chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định "sửa sai" bằng cách ra văn bản chỉ đạo yêu cầu các sở ngành rà soát việc điều chỉnh đăng ký kinh doanh, thay đổi cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp của các dự án bất động sản du lịch nhằm tránh việc chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách sai quy định.
Quy định này được giới doanh nghiệp và dư luận đánh giá là sẽ tạo thêm khó khăn cho các dự án bất động sản. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực của tỉnh này trong việc ngăn chặn chuyển nhượng dự án trái quy định, lách luật, đang diễn ra khá nhiều trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua, gây những hệ lụy lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Khánh Hòa cho rằng nếu không có biện pháp ngăn chặn, dự án sẽ khó có thể triển khai theo đúng lộ trình, còn Nhà nước thì tiếp tục thất thu.
Với quy định siết chặt chuyển nhượng các dự án, nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi "với hàng loạt các dự án tại Khánh Hoà đã chậm tiến độ trong suốt một thời gian dài, việc UBND tỉnh chỉ đạo siết chặt việc chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án liệu có giúp cho các dự án này được triển khai nhanh hơn, thuận lợi hơn hay chỉ làm tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp?".
![]() |
Nhiều dự án thay đổi chủ đầu tư mà chính quyền tỉnh không hay biết |
Để DN đủ năng lực triển khai
Quyết định này chắc chắn cũng khiến cho dự án của các chủ đầu tư đang trong tình trạng yếu kém gặp khó khăn trong việc chuyển nhượng cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn để thực hiện.
Bên cạnh đó, quyết định "chặn" chuyển nhượng dự án thực tế được nhận định chỉ là việc "sửa sai" của chính quyền tỉnh khi để tình trạng các dự án này chậm tiến độ, nhiều năm đắp chiếu không xây dựng.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, việc để các dự án chậm tiến độ trong một thời gian dài cũng có trách nghiệm của chính quyền địa phương. Nếu thực hiện đúng theo Luật Đầu tư ngay từ đầu, quá ba năm dự án không được triển khai, tỉnh có quyền thu hồi để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất. Nhưng việc thu hồi dự án thực tế là không đơn giản, bởi trong quá trình giao dự án và thu hồi dự án đều có chuyện "vướng các mối quan hệ".
Đáng nói hơn, chưa rõ kết quả của việc "sửa sai" đến đâu nhưng rõ ràng, những đóng băng về thủ tục hành chính, khó khăn về đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh này đang dẫn đến một vấn đề đáng lo ngại khác là hoạt động đầu tư đang bị đình trệ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cũng lo ngại về môi trường đầu tư tại Khánh Hòa, khi vấn đề về thủ tục hành chính, thủ tục triển khai dự án trên địa bàn tỉnh đang ách tắc.
Theo ông Đính, việc các dự án không thể triển khai ngoài nguyên nhân do năng lực của chủ đầu tư thì có có cả nguyên nhân từ chính quyền. Hiện đang có rất nhiều dự án chậm trong phê duyệt, cấp giấy phép. Trong khi đó, nếu muốn phát triển thì chính quyền địa phương cần phải tạo cơ chế thông thoáng, giảm tiêu cực để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Crytal Bay cho rằng doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư dự án, hồi sinh các dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh nên thông qua chính sách chung thống nhất để giải phóng môi trường đầu tư, không để dự án bị đình trệ, gián đoạn.
Theo đó, đối với những doanh nghiệp đã được cơ cấu lại, tăng vốn, có vốn mới mà chứng minh được năng lực triển khai dự án thì chính quyền tỉnh nên cho phép dự án được tiếp tục triển khai sớm để khơi thông cho các dự án và tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Minh Trang