Có một thực tế dễ thấy là trong bối cảnh giá nhà tăng vọt, cùng với nhu cầu cao của người dân, các chung cư mini đang mọc lên như nấm sau mưa. Phần lớn các tòa nhà, theo kết quả thăm dò, đều thiếu các điều kiện về pháp lý, bãi đậu xe, phòng chống cháy nổ...
“Con voi chui lọt lỗ kim”
Như tại chung cư mini ở Thanh Xuân, Hà Nội bị cháy gây hậu quả nghiêm trọng vừa qua, theo nguồn tin của Vnbusiness, tòa nhà này xây dựng “vượt phép” từ 7 tầng, 1 tum, 0 tầng hầm, lên thành 8 tầng ở, 1 tầng hầm và 1 tum.
Hà Nội là Thủ đô, vì vậy vấn đề xây dựng nhà ở phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt về số tầng và chiều cao. Câu hỏi đặt ra là tại sao một tòa chung cư cao nổi trội trong một khu dân cư có mật độ dày đặc lại không bị phát hiện và xử lý trước khi thảm họa xảy ra?
Chưa kể, theo tìm hiểu, khu vực xây căn chung cư mini vừa bị cháy là thuộc đất ở, không được phép đưa ra kinh doanh. Việc chủ nhà mang ra bán cho dân theo kiểu hợp đồng cho thuê hoặc đồng sở hữu là vi phạm về nguyên tắc và mục đích sử dụng đất.
Chung cư mini đang mọc lên "như nấm sau mưa", nhưng thiếu các chế tài quản lý. |
Thực tế, những “loằng ngoằng” về pháp lý tại các tòa chung cư mini xảy ra rất phổ biến nhiều năm qua và trở thành bài toán khó cho cơ quan quản lý. Đơn cử, tại căn hộ chung cư mini 22 Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã 6 năm qua, người dân mòn mỏi đi… đòi sổ hồng.
Bà Ngô Thị Mai, khách mua căn hộ, cho biết khu nhà có 11 tầng, chia thành 130 căn hộ, giá từ 850 – 1,3 tỷ đồng. Căn của bà Mai có diện tích 50m2, giấy tờ duy nhất là văn bản thỏa thuận mua bán căn hộ với chủ đầu tư. Việc có sổ hồng là chuyện bất khả thi bởi công trình xây vượt 2 tầng theo giấy phép xây dựng.
Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, chưa có thống kê nào về số lượng các chung cư mini trên địa bàn. Các căn hộ này thường ban đầu xin cấp phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ nhưng sau đó chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, ngăn chia thành các phòng khép kín cho thuê hoặc bán. Về mặt pháp lý, cũng chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa rõ về cụm từ này cũng như loại hình nhà này.
Bộ Xây dựng cũng đã có công văn đề nghị các địa phương siết chặt quản lý nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ. Trong đó, nêu ra những hệ lụy như: nguy cơ cháy nổ cao, gia tăng mật độ dân số gây ách tắc giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị… Song, khi chưa có một chế tài đủ mạnh, nhiều chung cư mini mới vẫn tiếp tục mọc lên.
Nên quản hay nên cấm?
Trở lại với sự việc tại chung cư mini vừa bị cháy, theo thống kê chưa chính thức, đến nay đã có trên 50 trường hợp thương vong. Hậu quả thảm khốc chắc chắn sẽ thay đổi tư duy của người dân và cả chính quyền về loại hình này, đồng thời khiến vấn đề quản hay cấm lại một lần nữa được đặt ra.
Bàn về việc này, anh Tùng, một môi giới bất động tại Hà Nội cho rằng chung cư mini có ưu điểm là được xây dựng theo mô hình khép kín với đầy đủ nội thất cơ bản, giúp khách hàng có thể dọn vào ở ngay. Đặc biệt, giá bán cũng vừa phải nên hấp dẫn người mua, nhất là những người ngoại tỉnh đến Hà Nội sinh sống…
Đa số chung cư mini, theo anh Tùng, sau khi xây dựng được “phù phép” dưới dạng công trình nhà ở riêng lẻ nên sổ hồng chỉ được cấp cho một cá nhân (thường là chủ đầu tư). Đây là lý do số lượng sổ hồng được cấp cho chung cư mini hiện “chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
“Thị trường sẽ vận hành theo nhu cầu của người dân, nên chắc chắn sẽ không cấm được, chỉ có thể quản lý chặt chẽ hơn”, anh Tùng khẳng định. Đồng thời, anh đưa ra cảnh báo, nếu không được cấp phép thì loại hình này sẽ càng “méo mó”, làm gia tăng tình trạng chủ đầu tư “lách” bằng cách xin xây nhà rồi làm hợp đồng cho thuê, hoặc cùng đứng tên sổ đỏ, hay đồng sở hữu…
Ở góc nhìn chuyên gia, Luật sư Mai Tiến Hiếu, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhìn nhận có nhiều nguyên nhân khiến chung cư mini ít được cấp sổ hồng, nhưng chủ yếu là do diện tích xây dựng nhỏ quá, không đạt diện tích tối thiểu theo quy định và các điều kiện chi tiết khác theo Luật Nhà ở hiện hành.
Thực tế, UBND mỗi tỉnh đều có quy định về diện tích tối thiểu đối với một căn chung cư. Người mua cần lấy đó làm căn cứ để biết căn hộ định mua có đủ điều kiện được nhận sổ hay không. Ví dụ, đất nền hay chung cư quy định về diện tích tối thiểu là bao nhiêu và tùy địa phương sẽ có thêm quy định riêng về diện tích tối thiểu theo định kỳ. “Chúng ta cần theo dõi và cập nhật. Đây là căn cứ để cấp sổ - hình thành nên một căn nhà có giá trị pháp lý đúng nghĩa”, Luật sư Mai Tiến Hiếu nói.
Có thể thấy, chung cư mini đang là vấn đề khó với cơ quan quản lý, bởi đây là loại hình có nhu cầu rất lớn, đáp ứng chốn an cư cho người dân. Một loại hình mang lại lợi ích cho người dân thì không thể cấm, tuy nhiên, quản lý thế nào để lợi ích của người dân được đảm bảo và không còn những hậu quả thảm khốc như vụ việc vừa qua, lại là “bài toán” không hề dễ giải.
Hưng Nguyên