Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, việc quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được thực hiện bởi đây là vấn đề mới, khó. Còn về công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề mới và khó
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, tiến độ lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, theo quy định của Luật Quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch, gồm 41 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 38 quy hoạch ngành quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.
Việc ban hành Luật Quy hoạch là sự đổi mới rất căn bản về phương pháp, tư duy, khắc phục việc chia cắt, manh mún, chồng chéo trong công tác quy hoạch. Luật đã đưa ra quy định quy hoạch cấp trên thực hiện trước làm cơ sở để lập quy hoạch cấp dưới.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Việc quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được thực hiện bởi đây là vấn đề mới, khó. Công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. (Ảnh VGP). |
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Luật Quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được phê duyệt. Nguyên nhân vì đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, đồng thời lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia.
Do vậy, dù quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019, việc lập các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành quốc gia còn vướng mắc, chưa thể triển khai. Để tháo gỡ các khó khăn thực tế và bất cập của Luật Quy hoạch, Chính phủ đã trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành Nghị quyết 751 ngày 16/8/2019 và Nghị quyết 61 ngày 16/6/2022.
“Hai Nghị quyết nêu trên đã tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong Luật Quy hoạch, công tác quy hoạch đã có chuyển biến, đạt được kết quả bước đầu”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu.
Hiện tại, Chính phủ đã phê duyệt 8 quy hoạch bao gồm quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, quy hoạch hệ thống phát triển cảng biển quốc gia, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch tỉnh Bắc Giang, quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh.
Chính phủ cũng lập xong 57 quy hoạch cấp quốc gia gồm 15 quy hoạch ngành và 42 quy hoạch tỉnh. Cả 57 quy hoạch này đang thực hiện thủ tục thẩm định. Còn 45 quy hoạch gồm 19 quy hoạch tỉnh, 26 quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể quốc gia đang được xây dựng.
Phó thủ tướng đánh giá việc hoàn thành 102 quy hoạch còn lại là thách thức rất lớn để đảm bảo tiến độ, bởi thực tế trong 10 năm 2011-2020, Việt Nam mới phê duyệt được 31 quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh.
Vì vậy, Chính phủ đề nghị địa phương, bộ ngành dành thời gian, sự quan tâm cho công tác quy hoạch để đảm bảo tiến độ. Đồng thời chú trọng sự lựa chọn, tư vấn lập quy hoạch, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra, hội đồng thẩm định để đảm bảo chất lượng quy hoạch.
Xử lý tình trạng xây dựng lấn chiếm ở vùng ven đô vẫn còn chậm
Về công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết hiện nay các khu vực đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, hạ tầng giao thông cải thiện, làm thay đổi diện mạo đô thị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý phát triển đô thị còn có những tồn tại, hạn chế như việc cải tạo chung cư cũ còn chậm, nhiều khu vực nhà cũ đã lâu không tu sửa có nguy cơ mất an toàn…
Hầu hết các đô thị lớn, tỉ lệ đất dành cho công viên, cây xanh, công trình giao thông đều rất thấp. Đây là vấn đề mà Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để cải thiện.
Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên xuất phát từ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng chưa được thực hiện hiệu quả. Theo lãnh đạo Chính phủ, công tác quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, vi phạm trật tự xây dựng như xây dựng không phép, sai phép, vượt tầng, đặc biệt là các vi phạm về xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm ở vùng ven đô diễn ra khá nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm vùng ven đô đang diễn ra khá nhiều nhưng chưa xử lý kịp thời (Ảnh minh họa). |
Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, hàng năm ngành xây dựng đều tổng kết, có hàng ngàn vi phạm nhưng chúng ta xử lý chậm. Việc xây dựng lấn chiếm ở vùng ven đô rất lớn, để phát hiện kịp thời và xử lý thì vai trò của chính quyền cơ sở rất quan trọng. Khi thiết lập hồ sơ để cưỡng chế, giải quyết, chúng ta triển khai còn rất chậm. Chính phủ nhận thấy còn tồn tại lớn trong việc này.
Từ tình hình thực tế trong công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị hiện nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh Bộ Xây dựng, các địa phương phải đặc biệt quan tâm tới công tác lựa chọn tư vấn, thẩm tra, thẩm định. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng công tác quy hoạch.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng, các địa phương, nhất là lực lượng thanh tra chuyên ngành, phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp cơ sở, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng, nhất là xây dựng không phép, sai phép, xây dựng vượt quá tầng cao, xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm tại các khu vực ven đô, khu vực đất cây xanh, đất công cộng…
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát lại các quy định pháp luật liên quan tới lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và các quy định khác có liên quan để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đăng Khôi