Khảo sát của VnBusiness cho thấy, trong thời gian qua, giá nhà liền kề, biệt thự triệu đô tại Hà Nội liên tục leo thang. Nhà thấp tầng tại nhiều khu vực tiềm năng như Hoàng Mai, Hoài Đức, Đông Anh có giá rao bán phổ biến ở mức 300-400 triệu đồng/m2,cá biệt có căn rao giá cả tỷ đồng/m2.
Giá không ngừng leo thang
Năm 2019, nhà ở thấp tầng giá dưới 20 tỷ đồng chiếm tới 80% nguồn cung, nhưng đến năm 2023 chỉ còn 50% tổng nguồn cung. Giá các sản phẩm trên 30 tỷ đồng năm 2019 chỉ chiếm 10% và đến năm 2023 đã lên tới 23% nguồn cung toàn thị trường.
Tốc độ tăng giá nhà thấp tầng có thể gây sốc ngay cả với những nhà đầu tư gạo cội. Đơn cử, cuối tháng 9 vừa qua, trước những thông tin thị trường bất động sản bắt đầu vào chu kỳ mới, anh Hoàng Anh Tú, một nhà đầu tư chuyên biệt thự tại Hà Nội, rục rịch trở lại các điểm nóng.
Bất động sản giá cao được đánh giá tốt về khả năng tăng trưởng trong dài hạn. |
Dù đã lường trước, nhưng khi đi thực tế, anh Tú vẫn cảm thấy “choáng”. Gần nhất, anh Tú tìm hiểu một dự án biệt thự đơn lập, quy mô gần 170 căn, tại huyện Hoài Đức. Diện tích các căn phổ biến khoảng 275 - 315 m2, gồm 3 tầng nổi, mặt tiền 17,5 m, giá bình quân trong khoảng 38 - 71 tỷ đồng.
Theo anh Tú, phân khúc biệt thự ở một số khu vực tại Hoài Đức đang liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, tăng 7 - 25% so với cách đây hơn 1 năm. “Không có ít nhất 30 tỷ đồng trong tay thì rất khó để tìm các sản phẩm tiềm năng ở vùng ven hiện tại”, nhà đầu tư gốc Hà Nội khẳng định.
Ở góc nhìn của đơn vị nghiên cứu thị trường, dữ liệu của Savills cho thấy giá biệt thự và nhà liền kề thuộc các dự án mới vẫn không ngừng tăng lên và ngày càng đắt đỏ. Giá nhà liền kề trung bình tại Hà Nội hiện vào khoảng 194 triệu đồng/m2 đất trong khi giá nhà phố thương mại lên 328 triệu đồng/m2 đất.
Tương tự, báo cáo của Cushman & Wakefield chỉ ra tại Hà Nội, trong quý gần nhất có 2.629 căn nhà liền thổ (liền kề, biệt thự) mới được mở bán, tăng 934% theo quý và tăng 3.067% theo năm. Giá sơ cấp trung bình phân khúc này cũng tăng lên 12.012 USD/m2 (khoảng 300,3 triệu đồng/m2), đánh dấu mức tăng 19% theo quý và 120% theo năm.
Trong khi đó, theo báo cáo của CBRE Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc nhà liền thổ với tổng nguồn cung đạt hơn 3.500 căn, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Lượng giao dịch của phân khúc này cũng tăng mạnh mẽ, đặc biệt trong quý III, với hơn 2.500 căn được bán ra, gấp gần 5 lần so với quý trước. Giá bán liền kề, biệt thự sơ cấp trung bình quý tăng đáng kể so với quý trước, đạt 235 triệu/m2, tăng 16% theo quý và gần 27% theo năm.
“Ông lớn” nhiều tham vọng
Không thể phủ nhận phân khúc bất động sản hàng hiệu, có mức giá từ 150 – 300 triệu đồng/m2 trở lên, đang hướng đến tệp khách hàng rất nhỏ tại Việt Nam thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các thống kê và thực tế chỉ ra tệp này sẽ nhanh chóng tăng dựng đứng.
Cụ thể, kết quả thăm dò của Wealth X - một đơn vị chuyên nghiên cứu người giàu có trụ sở tại Mỹ, chỉ ra số lượng người giàu có tài sản ròng 1-30 triệu USD tại Việt Nam có tốc độ gia tăng khoảng 10,1%/năm trong giai đoạn 2018-2023, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới.
Trước đó, báo cáo của Knight Frank cũng chỉ ra từ nay đến 2026, số lượng người giàu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 40,8% nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế. Lượng người siêu giàu có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên cũng sẽ tăng khoảng 26%, ngang ngửa Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).
Rõ ràng, sự gia tăng của giới trung lưu và siêu giàu đang mở ra dư địa lớn cho phân khúc bất động sản siêu đắt. Và thực tế, tiềm năng của bất động sản triệu đô tại Việt Nam đã và đang nhanh chóng được các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước “đọc vị”, sẵn sàng nhảy vào cuộc đua.
Thời gian qua, sau khi thị trường địa ốc bắt đầu vực dậy từ đáy, nhiều dự án bất động sản cao cấp đã được triển khai và có thể sẽ sớm tạo nên những chuyển biến tích cực hơn, mạnh mẽ hơn trong 1-5 năm tới.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực về bất động sản hàng hiệu, đặc biệt là các khu vực ven biển. Trong đó, Đà Nẵng, Hội An lọt Top 5 thị trường bất động sản hàng hiệu phát triển mạnh của châu Á - Thái Bình Dương.
Dù có mức giá cao, nhưng các yếu tố như thương hiệu, chất lượng, tiện ích, dịch vụ mang tầm quốc tế đã tạo nên một sức hút bền vững cho bất động sản hàng hiệu. Nhờ vào những yếu tố này, bất động sản hàng hiệu tăng trưởng ấn tượng qua từng năm, trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho những nhà đầu tư và người mua tiềm năng.
Những diễn biến từ thực tế cho thấy, bất động sản siêu sang đang có nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên theo chuyên gia đây là phân khúc ẩn chứa nhiều rủi ro. Trước hết là khả năng thanh khoản trong ngắn hạn.
Bà Giang Huỳnh, chuyên gia cao cấp của Savills, đánh giá phân khúc nhà siêu sang vẫn có tiềm năng tăng trưởng về dài hạn, vì nguồn cung khó cải thiện sớm, trong khi giới giàu và siêu giàu tại Việt Nam được dự báo tăng nhanh.
Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, thanh khoản của phân khúc biệt thự, nhà liền kề sẽ khó bật tăng, nhiều khả năng giá thứ cấp sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí giảm nếu nhà đầu tư gặp khó về dòng tiền. Điều này tạo áp lực lên cả chủ đầu tư và những nhà đầu tư cá nhân.
Từ diễn biến thực tế và phân tích của giới chuyên gia, có thể nói phân khúc bất động sản hạng sang, trong đó có biệt thự, liền kề triệu đô khó lấy lại thời hoàng kim, ít nhất là trong ngắn hạn. Hiện tại, phân khúc này chỉ dành cho những nhà đầu tư có dòng tiền mạnh, tầm nhìn dài hạn, tối thiểu từ 3-5 năm.
Hưng Nguyên