Trong báo cáo cập nhật tình hình tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản mới đây, UBND TP. HCM cho biết đã đồng ý chủ trương cho phép dự án của các công ty Gotec Land, Gamuda Land và Quốc Lộc Phát được bán 50% sản phẩm căn hộ.
Gỡ vướng chậm
50% tức là một nửa, con số này cho thấy các chính sách gỡ vướng đang phát huy tác dụng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, thậm chí gây thất vọng cho nhiều doanh nghiệp.
Cần phải nhắc lại, một trong 3 cái tên được kể ở trên là Gotec Land từng gây xôn xao trong giới đầu tư bất động sản khi gửi đơn “kêu cứu” đến Thủ tướng, sau đó được chọn vào danh sách những dự án điểm được ưu tiên gỡ vướng. Nhưng đến nay, vướng mắc vẫn chưa thực sự được khơi thông, điều này vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp, vừa nảy sinh rủi ro cho khách hàng.
Các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng các chính sách gỡ vướng nhanh hơn (Ảnh minh họa: Phạm Hòa). |
Tương tự là Novaland cho biết do gặp vướng mắc pháp lý với dự án Aqua City (Đồng Nai) nên không thể thu hơn 70.000 tỷ đồng từ khách hàng theo tiến độ.
Dự án này đã đóng tiền sử dụng đất, được phê duyệt quy hoạch 1/500 và được tỉnh phê duyệt cho chuyển nhượng dự án đất ở. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp xin điều chỉnh quy hoạch 1/500 để phù hợp với thị trường, dù giữ nguyên các chỉ tiêu được phê duyệt nhưng vẫn phát sinh nhiều vướng mắc, dẫn tới chậm tiến độ nhiều năm. Tín hiệu vui là mới đây, dự án được tỉnh Đồng Nai giao thêm đất.
Không chỉ là hiện tượng cục bộ, các kết quả thăm dò cho thấy pháp lý vẫn đang chiếm trên 70% khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Trao đổi với VnBusiness, đại diện chủ đầu tư một dự án 650 căn hộ kèm shophouse ở TP.HCM, cho biết doanh nghiệp đang rất sốt ruột với thủ tục.
Đơn cử, để có một dự án “sạch” pháp lý, tức có đầy đủ các giấy tờ của dự án, doanh nghiệp phải chờ ít nhất 2 - 3 năm, từ đó đẩy chi phí tăng cao vì đang phải chịu lãi suất vay 11 - 14%/năm.
"Sự chồng chéo từ quy định pháp luật đã tồn tại rất nhiều năm rồi, vì thế chúng tôi không kỳ vọng được tháo gỡ trong ngắn hạn. Chỉ cần chính sách ngấm, dự án có đường ra, không quá kéo dài là được. Nhưng tình hình hiện tại vẫn là sự chờ đợi vô định, không thấy lối thoát", vị đại diện doanh nghiệp nói.
Chờ “đại phẫu”
Thống kê tại TP.HCM cũng chỉ ra, tính đến cuối quý III, trong 189 kiến nghị của doanh nghiệp về tháo gỡ vướng mắc thủ tục cho 148 dự án bất động sản, đến nay mới giải quyết được 43 kiến nghị của chủ đầu tư 39 dự án. Nhưng ngay cả các kiến nghị đã được giải quyết, một số không nhỏ cũng chưa “ngã ngũ”.
Qua diễn biến từ thực tế, theo giới phân tích, tốc độ gỡ vướng cần đẩy nhanh tốc độ hơn, bởi các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang ở giai đoạn đuối sức, chỉ cần các chính sách ngưng “thẩm thấu” là đà hồi phục có thể bị đứt. Minh chứng rõ ràng nhất là số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 quý đầu năm chỉ bằng phân nửa doanh nghiệp giải thể, hoặc “chết lâm sàng” (tạm dừng hoạt động).
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DKRA, từng nhấn mạnh ách tắc lớn nhất hiện tại là pháp lý, trong đó đầu bảng là đền bù, tiền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, đất công xen kẹt...
Riêng ở TP.HCM, theo ông Lâm, từ năm 2022 đến nay liên tục hô hào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế vẫn chưa có một kết quả nào rõ ràng. “Những khó khăn của doanh nghiệp đang rất nghiêm trọng, nên nếu không thể khơi thông về dòng tiền thì việc đẩy nhanh tốc độ gỡ khó về cơ chế, chính sách là giải pháp tối cần thiết lúc này”, đại diện DKRA cho hay.
Đồng quan điểm, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại học Kinh tế Quốc dân, khẳng định để thị trường bất động sản phục hồi, giải pháp trước mắt là cần giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án đang dang dở để sớm bổ sung nguồn cung mới cho thị trường.
Nếu vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý của các cấp chính quyền địa phương thì cần mạnh dạn đưa ra các phương án quyết định trong khuôn khổ pháp lý hiện có, kể cả có liên quan đến định giá đất, xác định nghĩa vụ tài chính của các bên, xác định phương thức đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất...
“Khi địa phương có quyết sách mạnh bạo để tháo gỡ, doanh nghiệp có thể sớm đưa các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý hoặc triển khai rồi nhưng vướng pháp lý tung ra thị trường, đa dạng hóa nguồn cung và dần cân bằng cán cân cung - cầu”, ông Cường phân tích.
Cần phải nhấn mạnh, sự vào cuộc của Chính phủ trong công tác gỡ vướng cho dự án bất động sản thời gian qua được nhiều doanh nghiệp đánh giá là “bình oxy” đến đúng lúc, giúp thị trường hồi sinh từ đáy vực. Tuy nhiên, điều cần nhất hiện nay là các chính sách gỡ vướng được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, duy trì liên tục và đi vào thực tế nhanh hơn.
Hưng Nguyên