Theo đó, Ocean Group đã tách công ty CP đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi Sao Xanh ra khỏi công ty CP Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL). Sau đó, tập đoàn bán toàn bộ 89,2 triệu cổ phần, tương ứng 76,9% cổ phần Ngôi Sao Xanh cho đối tác là công ty Vincom Retail (thuộc công ty CP Tập đoàn Vingroup, mã: VIC). Hiện, Ocean Group chưa công bố giá trị thương vụ chuyển nhượng đình đám này.
Dự án “vàng” về tay Vingroup
Trước đó, theo phương án tái cấu trúc, HĐQT Ocean Group đã tiến hành tách công ty OTL thành 2 pháp nhân, đồng thời, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của công ty được tách ra cho đối tác. Theo tờ trình của HĐQT, giá chuyển nhượng cổ phiếu OTL tối thiểu là 18.000 đồng/CP, tương ứng tổng giá trị thương vụ sẽ không dưới 1.620 tỷ đồng. Sau thương vụ này, Vincom Retail sẽ nắm 90% cổ phần Ngôi Sao Xanh, còn lại công ty CP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (mã: OCH) nắm 10%.
Quyết định “dứt tình” với OTL, theo bà Nguyễn Thị Dung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Ocean Group là do yêu cầu tái cơ cấu dòng tiền, thanh toán nghĩa vụ tài chính, trong đó có nhiều khoản nợ rất lớn. Cũng theo nhẩm tính của bà Dung, thương vụ này sẽ đem về cho tập đoàn khoản lợi nhuận “không thấp hơn 1.000 tỷ đồng”.
Do đó, từ quý 2/2015, việc tách công ty OTL và chuyển nhượng cổ phần đã được tiến hành rốt ráo hơn trước áp lực tài chính căng thẳng của Ocean Group và các đơn vị thành viên. Cuối tuần qua, theo nguồn tin riêng, thì Ocean Group và Vincom Retail đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần để đi đến ký kết hợp đồng.
Đối tác Vincom Retail cũng không hề xa lạ vì trước đó nửa năm, đã từng mua lại toàn bộ 90% cổ phần của công ty bán lẻ Đại Dương –Ocean Retail và sở hữu chuỗi siêu thị Ocean Mart. Thương vụ có giá trị hơn 500 tỷ đồng đã đem lại khoản lợi nhuận đột biến hơn 450 tỷ đồng cho Ocean Group.
![]() |
Ocean Group bán đứt Công ty OTL và dự án HH tại khu đất HH (đường Trần Duy Hưng, Hà Nội)
Đến thương vụ lần này, Vincom Retail sẽ trở thành chủ nhân mới của dự án tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp (dự án Starcity Center) mà Ocean Group theo đuổi lâu nay nhưng chưa thể triển khai được. Trong đó, công ty OTL – do Ocean Group sở hữu hơn 76% vốn điều lệ và nắm 80% dự án Starcity Center (bên liên doanh Vinaconex nắm 20%). Dự án này tọa lạc tại lô đất “vành khăn” HH tại khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với 3 mặt tiền giáp đường lớn (đường Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến). Tổng diện tích khu đất lên tới hơn 5ha, liền kề dự án công viên Nhân Chính và được đánh giá là vị trí “hiếm có”.
Trước đây, ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Ocean Group đã rất tâm huyết với Starcity Center như là dự án “để đời” với tổng mức đầu tư dự tính tới 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi ông Thắm bị dính lao lý (tháng 10/2014), đến nay dự án vẫn nằm bất động và những lãnh đạo kế nhiệm đã quyết định bán công ty OTL cùng sở hữu của Ocean Group trong dự án này để trang trải nợ nần, giảm áp lực tài chính…
Trong khi đó, với tiềm lực tài chính mạnh, uy tín và kinh nghiệm phát triển các dự án khu đô thị tầm cỡ, Vingroup có thể sẽ biến dự án “bất động” này thành một tổ hợp trung tâm thương mại, nhà ở “đình đám” ở khu vực phía Tây Hà Nội trong thời gian tới.
Hi vọng “cứu” công ty
Nhiều cổ đông đã bày tỏ sự xót xa, tiếc nuối khi Ocean Group liên tiếp bán cổ phần công ty, chuyển nhượng tài sản dự án, như: dự án Lega Fashion House, khách sạn Phương Đông…
Một cổ đông đã hỏi thẳng HĐQT Ocean Group về cơ sở xác định giá chuyển nhượng cổ phần, định giá tài sản dự án Starcity Center, và thẩm định kỹ phương án chuyển nhượng chưa? Bởi, mức giá bán OTL “tối thiểu 18.000 đồng/CP, theo cổ đông là rất bèo nếu so với giá chuyển nhượng cổ phần của Công ty CP Hóa chất và vật tư khoa học kỹ thuật (Cameco, sở hữu khu đất 265 Cầu Giấy) là hơn 102.000 đồng/CP.
HĐQT cũng trấn an cổ đông rằng, đã tính toán, cân nhắc và đàm phán với đối tác phương án chuyển nhượng giá “tối ưu” và đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Với những động thái bán tài sản ồ ạt, một cổ đông sở hữu hơn 100.000 cổ phiếu OGC băn khoăn, tập đoàn đã lần lượt bán đi các công ty đảm nhận mảng kinh doanh chủ chốt như bán lẻ, dự án bất động sản, khách sạn... Cùng với việc mảng kinh doanh tài chính từ công ty liên kết - ngân hàng OceanBank bị mất đi vì bị mua lại 0 đồng. Mục đích là nhằm cứu công ty song những gì còn lại của Ocean Group có xứng đáng với mô hình tập đoàn kinh tế mà ông Hà Văn Thắm đã gây dựng và định hướng trong hơn chục năm qua?
Thế nhưng, có lẽ thực tế kinh doanh hết sức khó khăn hiện nay đã buộc những người kế nhiệm ông Thắm tại Ocean Group phải lựa chọn, hi sinh. Kết quả kinh doanh năm 2014 của tập đoàn này bị lỗ tới 2.520 tỷ đồng, chưa kể nhiều khoản đầu tư chưa được trích dự phòng đầy đủ, chưa đánh giá được khả năng thu hồi…
Theo báo cáo tài chính, hết 6 tháng đầu năm 2015, Ocean Group chỉ đạt 371,6 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế vỏn vẹn… 4 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh chủ chốt là bất động sản, tài chính, khách sạn… đều ghi nhận sự sụt giảm doanh thu tới trên 60-80%.
Thu Hằng