Những ngày qua, một trong những sự kiện gây dậy sóng dư luận quan tâm lĩnh vực địa ốc là việc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô - chủ đầu tư Dự án Cocobay Đà Nẵng - phát đi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với khách hàng mua condotel (căn hộ du lịch).
Vẫn chực chờ nỗi lo
Siêu dự án Cocobay Đà Nẵng được hoàn thiện 1 phần và đưa vào khai thác từ năm 2017. Đến năm 2019 thì "vỡ trận" ở phân khúc condotel sau khi gặp những vấn đề về tiền bạc, đồng thời chủ đầu tư có thông báo chấm dứt việc chi trả lợi nhuận cam kết 12%/năm.
Theo thông báo mới đưa ra, Thành Đô yêu cầu khách hàng phải bàn giao lại toàn bộ giấy tờ pháp lý liên quan đến bất động sản, hiện trạng tài sản đã nhận theo biên bản bàn giao cho công ty trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cũng như phối hợp cùng thanh lý hợp đồng mua bán.
Lý do, theo chủ đầu tư, là bởi công ty đang trong quá trình tái cơ cấu và chuẩn bị các nguồn lực để khởi động dự án vào quý II/2024. Việc kéo dài các hợp đồng mua bán với khách hàng trong suốt thời gian qua là điều không mong muốn.
Bất động sản nghỉ dưỡng đang có rất ít điểm tựa để phục hồi trong ngắn hạn. |
Hành động của chủ đầu tư đang khiến nhiều khách hàng tại dự án thất vọng. “Chưa nói đến việc bao giờ công ty trả lại tiền, chỉ riêng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đã cho thấy sự vô trách nhiệm của chủ đầu tư, đây là hành động “qua cầu rút ván”, một nhà đầu tư gay gắt nói.
Không chỉ khiến các nhà đầu tư trực tiếp tại dự án thất vọng, sự việc tại Cocobay Đà Nẵng, ở một góc độ nào đó, còn gián tiếp tác động đến tâm lý chung của nhà đầu tư loại hình condotel, vốn cũng đang lung lay dữ dội trong thời gian qua.
Thực tế cho thấy, sau thời gian làm mưa làm gió, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel đang dần đánh mất niềm tin của nhà đầu tư trong hơn 2 năm trở lại đây. Từ một loại hình được kỳ vọng sẽ “đẻ trứng vàng”, đến nay, không ít khách hàng đang rơi vào tình thế “chết trên đống tài sản”.
Như trường hợp của anh Trần Trung Dũng, vào giữa năm 2023, anh quyết định rao bán 2 căn condotel ở Nha Trang (Khánh Hòa), với mức giá thấp hơn gần 500 triệu đồng/căn so với thời điểm mua vào đầu năm 2019. Đến đầu năm 2024, anh bán được 1 căn, còn 1 căn tồn đến nay.
Ít điểm tựa để “hồi sinh”
Cả 2 căn condotel trên, theo anh Dũng, được anh mua theo dạng “đầu tư 0 đồng”, nghĩa là chủ đầu tư áp dụng chính sách hỗ trợ 100% vốn, lãi suất 0% trong 12 tháng đầu, cam kết lợi nhuận 10% năm, ân hạn nợ gốc tối đa 36 tháng, hỗ trợ phí trả nợ trước hạn.
Tưởng cục vàng hóa ra cục nợ, đại dịch Covid-19 ập tới khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh của anh Dũng gần như tê liệt trong 2 năm 2021, 2022. Sau dịch, du lịch phục hồi nhưng kinh tế khó khăn khiến tỷ lệ lấp đầy tại cả 2 căn hộ vô cùng phập phù, bình quân chỉ đạt 15-30%, thu không đủ bù chi, đặc biệt là trả lãi ngân hàng.
“Mọi chuyện cứ xấu dần đi, đến giữa năm 2023 thì tôi quyết định rao bán cả 2 căn, vừa để trả hơn 2 tỷ đồng tiền vay, vừa để thu hồi vốn tái đầu tư vào đất nền. Đầu năm 2024, tôi bán được 1 căn. Còn 1 căn tồn, cũng định bán bằng mọi giá, nhưng trước thông tin căn hộ condotel sẽ được cấp sổ hồng, tôi đang đổi chiến lược sang vừa rao vừa nghe ngóng”, nhà đầu tư gốc Hà Nội cho hay.
Cần phải nói thêm, trước những khó khăn của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp điều chỉnh để tháo gỡ. Điển hình như Nghị định số 10/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó quy định cấp sổ hồng cho các loại hình condotel, officetel…
Sau Nghị định 10, mới đây, trong 2 bộ luật sửa đổi là Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Đất đai năm 2024 được thông qua cũng có đề cập đến vấn đề pháp lý cho các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, mang lại những kỳ vọng mới cho những nhà đầu tư trong phân khúc này.
Tuy nhiên, dễ nhận thấy, dù được đề cập, song sự xuất hiện của các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng trong luật khá “mờ nhạt”. Điển hình, trong Luật Kinh doanh bất động sản, theo thống kê có khoảng 6 lần cụm từ “du lịch” được nhắc đến, nhưng cụ thể loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó chủ lực là condotel là gì, định nghĩa, chức năng, quyền sở hữu,… vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Những vấn đề về “danh phận” pháp lý còn bỏ ngỏ (chờ đợi các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành), cộng thêm niềm tin thị trường xuống thấp khiến giới chuyên gia dự báo bất động sản nghỉ dưỡng thời gian tới sẽ tiếp tục chìm trong ảm đạm, khó có chuyển biến đáng kể trong ngắn hạn.
Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư VARS cho rằng, sự phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như pháp lý, thủ tục hành chính và khơi thông nguồn vốn. Hàng loạt dự án lớn đang gặp vướng mắc về pháp lý nên chưa thể ra hàng.
Trong bối cảnh niềm tin của khách hàng chưa trở lại, sang năm 2024, bà Miền dự báo, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức rất lớn. Xu hướng đóng băng sẽ tiếp diễn, cả nguồn cung và thanh khoản đều chưa thể phục hồi.
Ở góc nhìn của nhà đầu tư, anh Vũ, một “tay to” đang nắm thông tin tại nhiều dự án ở Phú Quốc, tiết lộ sức mua nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng và shophouse ven biển trong khu vực đang xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Sức tiêu thụ yếu khiến tồn kho chiếm 90 - 95% rổ hàng của doanh nghiệp.
Chủ đầu tư rục rịch mở hàng, tăng cường quảng bá, tuy nhiên, theo anh Vũ, phần lớn các nhà đầu tư cá nhân còn khá e dè, hỏi nhiều nhưng chốt ít, bởi vấn đề cốt lõi nhất là làm sổ hồng vẫn bị bỏ ngỏ. “Chúng tôi không thể trả lời rõ ràng vấn đề sổ hồng khi khách hàng hỏi”, anh Vũ nói với VnBusiness.
Tựu chung lại, với những diễn biến từ thực tế, giới chuyên gia dự báo bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cần vượt qua chặng đường dài vô cùng gian nan ở phía trước. Cùng với giá bán, vấn đề cấp sổ hồng và phương án về quản lý vận hành sẽ là điểm mấu chốt để các dự án tăng lượng thanh khoản, chờ bứt tốc trở lại.
Hưng Nguyên