Tác động của dịch Covid-19 lên thị trường bất động sản rất rõ rét, tất cả các phân khúc đều sụt giảm, nhất là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng, nhà ở… Tuy nhiên, ở một nhánh riêng, bất động sản công nghiệp như kho bãi, kho lạnh vẫn có những tăng trưởng bất chấp dịch bệnh.
Thương mại điện tử tăng trưởng rõ rệt
Theo Công ty TNHH CBRE Việt Nam, với tình hình dịch bệnh hiện nay, hoạt động thương mại điện tử có sự tăng trưởng rõ rệt về doanh thu. Nếu trước đây, các nhà bán lẻ truyền thống còn dè chừng hoặc chậm rãi trong kế hoạch mở rộng sang bán hàng trực tuyến, thì nay là lúc xem xét một cách nghiêm túc hơn. Ngay cả các mặt hàng nhu yếu phẩm, siêu thị, tạp hóa cũng được bán online.
Tại Trung Quốc và Singapore, người tiêu dùng buộc phải chuyển sang mua sắm trực tuyến các nhu yếu phẩm hàng ngày. Điều này sẽ góp phần tạo thêm khó khăn và thách thức cho những cửa hàng truyền thống chưa kịp thiết lập và triển khai hệ thống bán hàng đa kênh.
Mới đây, chuỗi bán lẻ đa kênh của Alibaba, Hema đã tuyển dụng các nhân viên tạm thời nghỉ việc ở các nhà hàng để có thể đáp ứng sự gia tăng đột biến của các đơn hàng trực tuyến.
Còn tại Việt Nam, khi dịch Covid-19 được phát hiện nhiều từ du khách và người Việt Nam ở nước ngoài về, xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng được ưa chuộng hơn bao giờ hết.
Điều nhận thấy là nhiều cửa hàng, nhà hàng ăn uống… đóng cửa vì vắng khách và chủ hàng lo sợ dịch bệnh lây lan. Có nhiều cửa hàng thời trang chỉ hoạt động bán trực tuyến và hoàn toàn đóng cửa hàng trưng bày ở trung tâm thương mại hay mặt phố.
Tại các cửa hàng thời trang như Ivy, Format, Seven AM, NEM…, theo đại diện các nhãn hàng này, chưa bao giờ bán hàng trực tuyến lại chiếm số lượng áp đảo hơn bán hàng trực tiếp như hiện nay. Trước đây, khi có chương trình giảm giá từ 30-50%, cửa hàng lúc nào cũng nhộn nhịp khách, tuy nhiên từ khi chính quyền công bố nhiều ca mắc virus Covid-19 thì đơn hàng trực tuyến tăng trưởng hơn 60%.
Để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada, Sendo… lại chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn đến 50% đơn hàng trong tháng 3/2020.
Từ những diễn biến này, CBRE xác định lĩnh vực thương mại điện tử sẽ là động lực phát triển cho ngành kho vận trong năm 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh làm gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến và đẩy nhanh hình thức bán lẻ đa kênh, việc bổ sung nguồn cung nhà kho ở trong và xung quanh các khu vực đô thị lớn là rất cần thiết nhằm đáp ứng sự gia tăng đột biến về giao hàng chặng cuối.
Do các đơn hàng trực tuyến gia tăng nên nhu cầu thuê kho bãi cũng tăng trưởng mạnh (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Nhu cầu dài hạn
Đại diện CBRE dự báo, các thị trường ngách trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp được cho là sẽ hưởng lợi trong dài hạn từ các tác động của dịch bệnh, khi mà gia tăng tiêu dùng và hình thức phân phối bán lẻ đa kênh của thực phẩm tươi sống sẽ đẩy mạnh nhu cầu của các khách thuê đối với hệ thống kho lạnh trong những năm tới.
Bên cạnh đó, kho vận tự động hóa sẽ tăng trưởng mạnh. Ứng dụng tự động hóa trong các không gian kho vận cũng được kỳ vọng sẽ gia tăng trong bối cảnh các nhà cung cấp tìm kiếm giải pháp giảm sự phụ thuộc vào nhân lực và ngăn chặn việc gián đoạn hoạt động bởi dịch bệnh trong tương lai. Điều này sẽ thay đổi cách thức mà các nhà vận hành thiết lập và xây dựng hệ thống các trung tâm phân phối và nhà kho của họ.
Nhận định về thị trường kho vận và bất động sản công nghiệp của Việt Nam, ông John Campbell, Trưởng bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam đánh giá, với sự tăng trưởng về thương mại điện tử và việc Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhiều tập đoàn sản xuất công nghiệp trên thế giới, vấn đề kho vận tại trung tâm các thành phố, cùng nhà xưởng ở các khu công nghiệp sẽ tiếp tục được phát triển.
Đặc biệt, khi Việt Nam hoàn tất phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thì kho bãi, nhà xưởng sẽ đòi hỏi cả về nguồn cung dồi dào và chất lượng cao hơn.
“Với việc EVFTA sẽ được phê chuẩn trong năm nay, các nhà đầu tư cũng hy vọng sẽ thấy sự gia tăng nhu cầu thuê từ các nhà sản xuất châu Âu vào năm 2020 và 2021”, ông Campell nhấn mạnh.
Các chuyên gia của Savills châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, còn rất nhiều điều chưa thể dự đoán chính xác, tuy nhiên mỗi phân khúc bất động sản đều đang có những biện pháp khác nhau nhằm đối phó với dịch Covid-19 trong thời gian ngắn và dài hạn.
Để khẳng định cho đánh giá này, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam chỉ rõ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giao hàng tại nhà là những phân khúc ghi nhận tăng trưởng.
Trong khi nhiều chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ đang giảm giá thuê, thì phân nhánh ngách của thị trường này là kho vận, kho lạnh đang được nhiều khách hàng “truy tìm”.
Một số chuyên gia bất động sản dự báo, khách hàng không chỉ có nhu cầu thuê phân ngách của bất động sản công nghiệp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, mà trong tương lai, phân ngách này tiếp tục tăng trưởng mạnh, do nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng gia tăng.
Phạm Minh