Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) vừa công bố thông tin thị trường BĐS năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021. Theo đó, giá nhà - đất ở nhiều khu vực trên cả nước vẫn tăng; có những khu vực, dự án có giá tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020.
Đất nền và căn hộ cùng “dậy sóng"
Trong 2 tháng đầu năm, hiện tượng sốt đất cục bộ ở một số địa phương diễn biến hết sức phức tạp. Tại những khu vực có dự án hoặc thông tin về dự án, người mua - kẻ bán tấp nập như trảy hội đầu xuân.
Tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), giá đất ở các dự án đã tăng 200-300 triệu đồng/lô khoảng 80m2 so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu. Còn tại Bắc Giang, nhiều dự án đất đô thị xuất hiện lượng lớn nhà đầu tư cùng môi giới, giao dịch sôi động và giá cả không ngừng được đẩy lên.
Đặc biệt, mới đây khi Hà Nội công bố Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, lập tức đất ở hai bờ sông Hồng có xu hướng "tăng nhiệt" theo ngày.
Nhiều khu đất tuy diện tích nhỏ nhưng có vị trí đẹp, sổ đỏ chính chủ, giá thường ở mức cao từ 30-40 triệu đồng/m2. Giá đất tại xung quanh Thạch Cầu (Long Biên) tăng thêm khoảng 3-5 triệu đồng/m2 so với năm ngoái.
Trở lại năm 2020, báo cáo của một số đơn vị nghiên cứu BĐS cho thấy, mặc dù thị trường BĐS gặp khó khăn do thủ tục pháp lý và đại dịch Covid-19, giá nhà ở trên cả nước vẫn tiếp tục tăng cao.
Tại thị trường Hà Nội, giá bán chung cư tăng nhẹ ở phân khúc trung cấp và cao cấp, tăng 15-20% ở phân khúc bình dân. Còn giá nhà đất tại những dự án đầu tư hạ tầng chất lượng tốt đã tăng mạnh, khoảng 5% so với năm 2019. Một số dự án nhà phố có mức giá kỷ lục như Kiến Hưng, Hà Đông có giá 200-250 triệu đồng/m2, Him Lam - Tố Hữu có giá 300 triệu đồng/m2. Giá tại khu vực Đông Anh, Long Biên cũng tăng khoảng 20-30%. Khu vực Thạch Thất, Sơn Tây, Hoà Lạc…, giá đất trong làng xã đã lên mức 25-30 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50% so với năm 2019.
Trong khi đó, tại TP.HCM, trong khoảng thời gian ngắn, mặt bằng giá mới đã được thiết lập. Giá bán căn hộ bình dân được đẩy lên thành phân khúc trung cấp. Giá bán căn hộ trung cấp tăng 26,5% so với năm 2019 và 50,7% so với năm 2018.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, đối với một dự án BĐS thì chi phí về đất là một trong những chi phí đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến giá thành đầu ra của sản phẩm dự án.
Không chỉ do khung giá đất mới
Đặc biệt, sau khi có Nghị định về khung giá đất, bảng giá đất được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân khoảng 15-20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước. Như vậy, trường hợp chi phí về đất của một dự án BĐS được căn cứ trực tiếp từ giá đất trong bảng giá đất được ban hành thì việc tăng giá đất khoảng 15-20% của các địa phương cũng chỉ làm tăng giá thành BĐS nhà ở khoảng 1,5-5%.
Khung giá đất tăng là một trong những nguyên nhân giá BĐS tăng cao trong thời gian qua |
Cũng theo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, đối với các dự án BĐS thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chi phí về đất của dự án chịu tác động bởi giá đất của thị trường.
Bên cạnh đó, việc áp dụng khung giá đất, bảng giá đất mới tại các địa phương có hiệu lực từ 1/1/2020, trong khi các dự án được hoàn thành và có sản phẩm chào bán ra thị trường trong năm 2020 chủ yếu là dự án thực hiện và áp dụng giá đất theo khung giá, bảng giá đất trước đó. Do vậy, việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tăng giá nhà ở, đất ở của các dự án tại các địa phương trong năm 2020 và thời gian qua.
Một số chuyên gia cho rằng, ngoài giới đầu cơ lợi dụng các yếu tố thông tin quy hoạch thì hiện tượng tăng giá BĐS tại các địa phương có nhiều nguyên nhân khác nhau, như: khi dân số tăng, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa - đô thị hóa nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu; do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh…
Về giải pháp để quản lý, ổn định thị trường BĐS trong năm 2021 và giai đoạn tới, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu trình Quốc hội, Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS, như: rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS…
Cùng với đó, tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường BĐS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch để làm giá, đẩy giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính…
Hải Sơn