Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay nhu cầu NƠXH trên cả nước mới đáp ứng được 33% so với mục tiêu cần có 12,5 triệu m2 trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Để thực hiện được mục tiêu này, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể: chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị không phân biệt quy mô diện tích, hình thức xây dựng tại các đô thị loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án để xây dựng NƠXH…”.
Thiếu hụt quỹ đất cho NƠXH
Luật đã quy định rõ, nhưng chỉ tính riêng hai đô thị lớn Hà Nội và Tp. HCM, số dự án NƠXH được trích từ quỹ đất 20% chỉ đếm trên đầu ngón tay như: NƠXH khu đô thị Đặng Xá Gia Lâm, khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, khu đô thị Sài Đồng Long Biên… Các dự án này chỉ đủ cung cấp một yêu cầu rất nhỏ cho người thu nhập thấp.
Còn hầu hết các dự án lớn trên địa bàn hai thành phố này như các dự án của Geleximco, Vinhome, Parkcity, Ecopark, Ciputra, Thủ Thiêm Lakeview, Garden Riverside Villa … không có một mét vuông nào dành cho việc xây dựng NƠXH.
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng một số địa phương lớn đang làm không đúng quy định của luật, Nghị định của Chính phủ như: không phê duyệt quy hoạch dành 20% diện tích để xây NƠXH tại các dự án; có phê duyệt nhưng phê duyệt ở các góc khuất, chỉ làm nhà thương mại trước còn phần làm NƠXH thì lờ đi không làm; có quy hoạch nhưng địa phương không phân cho chủ đầu tư nào để hoang hoá sau đó chuyển đổi và cấp cho chủ đầu tư khác làm nhà ở thương mại.
Mới đây, dự án The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco đã thực hiện việc trả lại 20% diện tích NƠXH cho thành phố, nhưng bao giờ thành phố xây dựng NƠXH hoặc giao cho chủ đầu tư khác làm vẫn là một câu hỏi, bởi hiện nay 20% diện tích này đang bị bỏ không.
Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, chỉ tính đến năm 2013 theo báo cáo tổng hợp của tất cả các tỉnh, thành phố lớn về các dự án nhà ở được triển khai, Hà Nội có hơn 800 dự án chiếm khoảng 12.000 ha, Sài Gòn hơn 1.200 dự án chiếm khoảng 8.000 ha. “Nếu trích 20% trong số này ra sẽ có 4.000 ha để xây dựng NƠXH”, ông Nam nói.
Nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội do Tổng công ty Viglacera xây dựng |
Khó thực hiện tại các vị trí “đất vàng”
Riêng với Hà Nội, đây không phải là lần đầu tiên những “khuất tất” làm sai quy định của Tp Hà Nội về quỹ đất 20% dành cho NƠXH được đem lên bàn cân để “mổ xẻ”.
Trước đó, năm 2017, Thanh tra Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận việc thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý sử dụng đất, quỹ nhà ở để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị giai đoạn 2004-2007.
Một số vấn đề trong kết luận chỉ ra như: Cho phép các dự án nộp tiền trong khi không có quy định cho phép chủ đầu tư nộp tiền thay vì phải sử dụng quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH; ban hành quyết định về nghĩa vụ trích nộp quỹ nhà ở, quỹ đất ở còn thiếu, thậm chí một số dự án không phải trích nộp, hoặc quỹ đất 20% được giao lại để xây dựng nhà bán…
Trên thực tế, nhiều người dân đã phải “săn lùng” nhà ở giá rẻ một cách quyết liệt, và đôi khi chịu chi ngoài hàng trăm triệu đồng để mua được nhà ở giá rẻ. Trong khi đó, nhiều dự án nhà ở thương mại đua nhau xây dựng, nhưng “ế ẩm” không có người mua.
Trước hàng loạt những vướng mắc trên, Hà Nội cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất 20% theo quy định trước đây của UBND Tp để phát triển NƠXH.
UBND Tp Hà Nội đã kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng quy định bổ sung trách nhiệm phát triển NƠXH đối với các dự án nhà ở thương mại đã được giao chủ đầu tư trước thời điểm Nghị định 100/2015 của Chính phủ có hiệu lực nhưng đến nay chậm triển khai.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn, quy định bổ sung một số nội dung chưa rõ: dành tối thiểu 20% diện tích NƠXH trong dự án để cho thuê. Tuy nhiên, thực tế có dự án không có hoặc có rất ít đối tượng thuê NƠXH nên gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc thu hồi vốn.
Hơn nữa, những dự án ở các vị trí “đất vàng” khi dành 20% quỹ đất cho NƠXH thì không doanh nghiệp nào triển khai được vì giá đất cao, trong khi giá bán và lợi nhuận bị “khống chế”.
“Việc dành quỹ đất 20% xây dựng NƠXH đối với các khu nghỉ dưỡng resort, các dự án nhà ở thương mại chỉ có nhà ở thấp tầng tại khu vực đô thị… không phù hợp với quy hoạch để xây dựng chung cư NƠXH”, báo cáo UBND Tp cho biết.
Minh Trang