Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Tp.HCM, tồn kho BĐS năm 2018 của 65 doanh nghiệp (DN) BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán lên đến 201.921 tỷ đồng.
Lực hấp thụ theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam đánh giá chủ yếu ở phân khúc bình dân và nhà giá rẻ, còn tỷ lệ hấp thụ phân khúc cao cấp và trung cấp thấp hơn.
Chính sách có, khó thực hiện
Tình trạng nhà ở xã hội (NƠXH) nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa là một thực trạng đang diễn ra tại Hà Nội. Nơi thiếu là những khu vực tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất; nơi thừa là những khu vực không đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông, nơi xa dân cư…
Thực trạng này cũng diễn ra tại Tp.HCM khi hiện tại, thành phố này đang có khoảng 260.000 công nhân làm việc trong các KCX - KCN, thế nhưng nhà lưu trú cho công nhân (NLTCN) chỉ đáp ứng 14.960 chỗ.
Ông Trần Quốc Đạt - Phó trưởng Phòng Phát triển nhà ở Tp.HCM, cho biết theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện Tp.HCM có 17 KCN, 1 khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp. Do đó, nhu cầu chỗ ở của các công nhân hiện nay khoảng 65 - 70%, tương đương 280.000 chỗ ở, trong khi nguồn cung quá thấp.
Thành phố này hiện đang có quỹ đất khoảng 47 ha, có 15 dự án đã và đang được các DN giải tỏa bồi thường. Nếu 15 dự án này hoàn thành sẽ đáp ứng được 95.000 chỗ ở cho công nhân.
Giám đốc của một DN xây dựng cho biết, công ty của ông rất muốn xây NƠXH, nhưng rất khó bởi tiêu chuẩn của Tp.HCM và Hà Nội khác với các tỉnh khác. Trong khi các tỉnh lân cận tiêu chuẩn 30 m2 cho NƠXH, thì các thành phố lớn áp dụng tiêu chuẩn sàn là 40 m2 theo tiêu chuẩn cho nhà ở thương mại.
Tính ra mỗi căn có giá trên 700 triệu đồng, điều này là không khả thi đối với người có thu nhập thấp. Vì vậy, DN của ông đã phải chuyển xây NƠXH về các tỉnh đầu tư.
Hơn nữa, NƠXH bị kiểm soát về giá cho thuê, giá bán, đối tượng người sử dụng… lợi nhuận thấp nên rất ít nhà đầu tư muốn tham gia.
Vị lãnh đạo DN này chỉ mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, giảm thủ tục, giảm điều kiện tham gia của đối tượng được mua… Như vậy, DN mới mạnh dạn đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng phân khúc NƠXH đầu tư lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ nếu tính toán không kỹ. Quy trình thủ tục hành chính thì rườm rà còn hơn nhà ở thương mại. DN chỉ có thể chủ động quyết định được khoảng 30% thủ tục đầu tư, còn lại phụ thuộc hết vào cơ quan chức năng, mà cơ quan chức năng thì quá chậm chạp, thủ tục lại nhiêu khê.
Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp Viglacera Yên Phong, Bắc Ninh |
Nhiều giải pháp đồng bộ
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, hiện nay, chủ đầu tư NƠXH được giảm 70% thuế suất giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN; được ưu đãi vay vốn đầu tư với thời hạn tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 20 năm; hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc này thực hiện rất chậm.
Lý giải nguyên nhân thực hiện chậm trễ, Bộ trưởng cho rằng nhiều địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở; chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí đủ quỹ đất cho phát triển NƠXH.
Nhà nước cũng thiếu nguồn vốn cho vay để đầu tư, mua NƠXH. Đến nay, Nhà nước mới bố trí được hơn 3.000 tỷ đồng trên tổng số 9.000 tỷ đồng theo yêu cầu. Vì vậy, người dân mua nhà không được hỗ trợ lãi suất thì rất khó khăn với quyết định mua nhà.
Hiện đã miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế… nhưng lại đang khống chế tỷ suất lợi nhuận với DN là 10% nên chưa thu hút được sự quan tâm của DN.
Bộ trưởng cho biết thời gian tới, sẽ tham mưu với Chính phủ để giải quyết căn bản về phương thức giải quyết vấn đề NƠXH, đó là tạo ra nguồn cung nhà và hỗ trợ giá cả với người mua, người đầu tư.
Chính sách NƠXH của chúng ta hiện nay còn tương đối phân tán, chia ra quá nhiều đối tượng NƠXH. Theo luật, có khoảng 10 đối tượng và việc huy động nguồn lực nặng về bao cấp, chưa sử dụng các nguồn lực từ đất đai, BĐS để phát triển NƠXH.
Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục quy định cụ thể hơn về diện tích căn hộ, tiện nghi tối thiểu của một căn hộ cho thuê để phù hợp hơn với yêu cầu của người thuê; đồng thời nghiên cứu bổ sung chính sách phát triển NƠXH phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và thông lệ quốc tế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần phải gắn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Đây là vấn đề rất quan trọng để bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững; bởi vì thị trường BĐS phát triển phải theo nhu cầu của thị trường và đáp ứng được nhiều đối tượng có khả năng thu nhập khác nhau về nhà ở.
Phạm Minh