Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 vừa được Ngân hàng Nhà nước nới lên thành 15,5-16%, so với kế hoạch đầu năm là 14%. Quyết định này đồng nghĩa hệ thống nhà băng có thể bơm thêm vào nền kinh tế 156.000 - 200.000 tỷ đồng trong chưa đầy 1 tháng tới.
Kỳ vọng được “tiếp sức”
Có một thực tế dễ thấy là nhiều trường hợp người dân mua nhà để ở đã nộp 70-80% giá trị hợp đồng. Tức họ còn thiếu 20-30% nữa để có thể nhận nhà, nhưng gặp đúng lúc ngân hàng hết hạn mức giải ngân, khiến rủi ro “mất khả năng thanh toán” ập đến.
Vì vậy, thông tin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp khấp khởi chờ đợi, mà còn trở thành niềm hy vọng lớn của những người mua nhà để ở.
Đơn cử, với số vốn tích lũy 1,1 tỷ đồng trong tay, hơn 2 tháng qua, anh Lê Tiến Dũng chật vật tìm địa chỉ vay thêm 1 tỷ đồng để mua căn hộ 42m2 ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tăng vọt, và để vay được tiền là điều vô cùng khó khăn.
Vì không thể với tới các căn hộ ở trung tâm, anh Dũng đã chấp nhận mua nhà ở xa hơn để giảm gánh nặng nợ. Từ đầu tháng 10/2022, sau khi đã đặt cọc 300 triệu đồng, anh tiến hành giải hồ sơ vay tại 5 ngân hàng nhằm kịp hạn tất toán vào cuối tháng 12, và đều nhận được câu trả lời chung là “chờ”.
Bất chấp nới room, dòng tín dụng vào bất động sản dự kiến khó thông trong ngắn hạn. |
Gần hết tuần đầu tháng cuối năm, khi các hồ sơ vẫn đang trong tình trạng “bặt vô âm tín”, anh Dũng đang nghĩ tới các phương án đi vay nóng để tất toán theo lịch hẹn (nếu không sẽ mất tiền cọc). Vào lúc tưởng đã hết hy vọng, thông tin nới room đang thổi bùng lên hy vọng với gia đình anh.
“Tôi xác định lãi suất sẽ cao, có thể là hơn 10%, tức với mức vay 1 tỷ đồng bình quân mỗi tháng sẽ phải trả cả lãi và gốc gần 30 triệu đồng. Nhưng giờ thì chỉ mong được giải ngân, không phải đi vay tín dụng đen bên ngoài đã là may lắm rồi”, anh Dũng nói.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng quyết định nới room tín dụng là tín hiệu tích cực cho toàn bộ ngành nghề trong nền kinh tế nói chung, trong đó có thị trường bất động sản.
Thông tin nới room sẽ khiến nhà đầu tư lạc quan hơn và cân nhắc ở lại thị trường thay vì “giảm giá bán tháo” để rời đi sớm. Đối với những nhà đầu tư đang phải gồng bởi áp lực tài chính, nếu có thể tiếp cận được nguồn vốn, họ sẽ có thể gắng gượng và không phải bán cắt lỗ sâu.
Khó tạo động lực lớn
Hạn mức tín dụng mới với gần 200 nghìn tỷ đồng bơm vào thị trường, rõ ràng đang mang lại nhiều hy vọng cho cả người vay mua nhà ở, nhà đầu tư và doanh nghiệp, tuy nhiên, theo giới phân tích, khả năng dòng vốn rót vào thị trường bất động sản được khơi thông trong ngắn hạn là rất mong manh.
Điều này cũng đã được nhiều chuyên gia dự báo trong đợt nới room của Ngân hàng Nhà nước vào trung tuần tháng 9/2022, khi 4 "ông lớn" ngân hàng là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank và 11 nhà băng có "sức khỏe" tốt được cấp thêm hạn mức tín dụng 1 - 4% so với mức cũ. Và thực tế cho thấy trong gần 3 tháng qua, việc vay mua nhà vẫn vô cùng nan giải.
Ông Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM), nhận định đặc điểm của ngân hàng thời điểm hiện tại là ưu tiên cho vay ngắn hạn, trong khi các doanh nghiệp địa ốc, người mua nhà lại có hướng vay trung và dài hạn nên khả năng tiếp cận vốn đã khó lại càng khó.
“Việc các ngân hàng huy động vốn với chi phí cao hơn trong suốt thời gian qua khó có thể giữ được lãi suất cho vay đứng yên. Đặc biệt, hạn mức tín dụng mới được cấp thêm không nhiều khiến các ngân hàng khó có thể đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng hiện nay”, ông Huân nhấn mạnh.
Cũng theo giới phân tích, room tín dụng được nới nhưng nguồn tiền sẽ được luân chuyển từ ngành có nhiều rủi ro sang ít rủi ro. Trong khi bất động sản lại đang bị đánh giá rất thiếu tích cực. Vì vậy, hy vọng dòng tiền “dễ dãi” quay trở lại với nhà đất trong thời gian ngắn là bất khả thi.
Các phân tích cho thấy các doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào động thái nới room tín dụng. Với người vay mua nhà, khả năng tiếp cận vốn có thể sẽ dễ thở hơn, song cần phải cân nhắc kỹ khả năng trả nợ. Tỷ lệ an toàn là các khoản thanh toán không quá 30-40% thu nhập hàng tháng.
Trong bối cảnh kinh tế phục hồi, nhu cầu vốn tăng mạnh, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để hút dòng tiền trở lại, do đó sớm muộn lãi suất cho vay sẽ phải điều chỉnh tăng và thực tế đang tăng nhanh. Vì vậy, người mua nhà luôn cần tính toán kỹ ngay cả khi được vay.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu, Savills Hà Nội, nói: "Đối với những người đang chờ giải ngân, cần phải xem của ngân hàng nào, có thể được giải ngân không vì không phải ngân hàng nào cũng được hoặc có nhu cầu nới room”.
Còn với nhà đầu tư, đây là thời điểm thích hợp cho cuộc đua đường dài, tuyệt đối không dùng đòn bẩy tài chính. Đặc biệt, có một thực tế là trong mỗi đợt nới room tín dụng, rất nhiều “tay to” sẽ tận dụng thời cơ, chia sẻ thông tin này để "chốt hàng", người mua cần thận trọng.
Hưng Nguyên