Vừa mua một căn hộ tại TP Thủ Đức (TP.HCM), anh Trần Xuân Kiên (quê Bình Dương) cho hay thời gian qua vợ chồng anh đã tìm hiểu khoảng 10 dự án sơ cấp, hơn 20 dự án thứ cấp tại TP.HCM, thậm chí sang xem các dự án tại Bình Dương (giáp với TP.HCM) nhưng đa phần có giá cao.
Mạnh tay vay mua nhà
Sau thời gian dài nâng lên đặt xuống, vợ chồng anh Kiên quyết định “xuống tiền” tại một dự án mới ở Thủ Đức với giá gần 3 tỷ đồng, trong đó 50% giá trị căn nhà được ngân hàng hỗ trợ cho vay, dự kiến giao nhà vào giữa năm 2025.
Lý do khiến anh Tú quyết định đẩy nhanh tốc độ vay mua nhà, thay vì chờ đợi, là bởi chủ đầu tư đang tung nhiều chính sách ưu đãi, đồng thời những chỉ dấu cho thấy lãi suất sẽ tăng trở lại. “Tìm nhà thời buổi này như đãi cát tìm vàng, khó vô cùng, nên thấy có cơ hội là tôi quyết định liền, không chờ đợi nữa. Mức lãi suất ưu đãi 6,2% trong 2 năm đầu cũng là mức có thể chấp nhận được”, anh Tú nói.
Giá nhà trung tâm quá đắt, nhiều người mua nhà đang có xu hướng dạt về các vùng ven. |
Thực tế, trong bối cảnh giá nhà “nhảy múa” từng ngày, không ít người đang như “ngồi trên đống lửa”, trong đó rất nhiều trường hợp sau thời gian dài trì hoãn đã quyết định tận dụng cơ hội lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục để vay mua nhà trước khi giá nhà tiếp tục leo thang.
Như trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Thành Luân ở Thủ Đức (TP.HCM), sau gần 12 năm ở thuê, vừa quyết định vay nhà băng gần 1 tỷ đồng để mua nhà. Cùng với số vốn tích lũy 2,2 tỷ đồng, anh chị xuống tiền mua một căn hộ hơn 3 tỷ đồng ở khu Long Thạnh Mỹ, quận 9.
“Để có ưu đãi tốt hơn, tôi chủ động vay theo diện sản xuất kinh doanh, tài sản đảm bảo là căn nhà ở quê Bình Dương. Lãi suất hơn 6% cho 6 tháng đầu tiên, 8,2% cho 6 tháng tiếp, và 8,5% cho 24 tháng tiếp sau nữa. Sau ưu đãi, lãi suất thả nổi”, anh Luân tiết lộ.
Với mức lãi suất trong thời gian ưu đãi, bình quân mỗi tháng, anh Luân phải trả nhà băng khoảng 20 triệu đồng cả gốc và lãi. Đây là áp lực không nhỏ bởi tổng thu nhập của cả hai vợ chồng anh chỉ vào khoảng 35 triệu đồng. Khi vào thời kỳ lãi suất thả nổi, áp lực sẽ còn tăng lên nhiều lần.
“Xác định là sẽ khó khăn, nhưng cứ phân vân thì không biết bao giờ mới mua được nhà khi giá càng ngày càng tăng. Vợ chồng tôi quyết định “leo lên lưng cọp”, hy vọng kinh tế ổn định, thu nhập của chúng tôi có thể cải thiện trong tương lai”, anh Luân chia sẻ thêm với VnBusiness.
Doanh nghiệp nhập cuộc đua
Việc những người mua nhà đang đẩy nhanh tốc độ xuống tiền là dấu hiệu tích cực, khiến nhiều chủ đầu tư “mượn nước đẩy thuyền”, tung ra nhiều chính sách kích cầu để tăng thanh khoản.
Ông Lâm, đại diện chủ đầu tư dự án gần 350 căn hộ kèm shophouse tại khu Nam TP.HCM cho hay trong đợt mở bán tháng 6/2024 vừa qua, công ty ông bán thành công gần 50 căn hộ trong tuần đầu tiên, sau đó “túc tắc” đến nay đã hết 60% rổ hàng.
“Năm 2023, có thời điểm chúng tôi mở rổ hàng mới, cả quý chỉ bán được chưa tới 10 căn, sau đó công ty phải lùi lịch ra hàng mới. Vì vậy, những diễn biến trong thời gian qua cho thấy thị trường đang khởi sắc hơn nhiều. Dự kiến từ nay đến cuối năm, thanh khoản sẽ được cải thiện”, vị đại diện doanh nghiệp nói.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Viện nghiên cứu Kinh Tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services cũng chỉ ra thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực về nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ, nhất là ở loại hình căn hộ.
Cụ thể, trong 2 quý đầu năm, tổng nguồn cung bất động sản nhà ở tăng 182%, tỷ lệ hấp thụ chung tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ 2023, trong đó căn hộ là phân khúc dẫn đầu về thanh khoản. Riêng TP.HCM, có 2.356 căn hộ mở bán mới, tỷ lệ hấp thụ rổ hàng đạt 45-50%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Trong khi đó, theo báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận trong quý II/2024 của DKRA, thanh khoản căn hộ đang là điểm sáng với lượng tiêu thụ tăng mạnh 88% so với quý trước, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2023. Đơn vị nghiên cứu ghi nhận các giao dịch tập trung ở những dự án tầm trung, mức giá từ 40 - 55 triệu đồng/m2 tại TP. HCM.
Các chuyên gia của DKRA dự báo Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực từ 1/8 sẽ mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho thị trường trong thời gian tới. Ngoài ra, lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp, chủ đầu tư tiếp tục áp dụng các chính sách ưu đãi cho khách hàng, kéo giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ vay ngân hàng… được kỳ vọng sẽ là những yếu tố ảnh hưởng tốt lên sức cầu thị trường.
Trước chu kỳ tăng trưởng mới, các doanh nghiệp đang tích cực gia nhập đường đua. Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp đang hướng mạnh đến phân khúc nhà ở vừa túi tiền, phục vụ nhu cầu ở thực.
Điển hình như Phát Đạt (PDR) dự kiến tung ra thị trường dự án nhà ở phức hợp mới tại Bình Dương, với khoảng gần 2.700 căn hộ, shophouse. “Công ty sẽ tập trung phát triển các dự án phù hợp với nhu cầu ở thực của khách hàng để đạt được mức độ hấp thụ cao nhất của thị trường”, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt, nhấn mạnh về chiến lược sắp tới của đơn vị.
Một ông lớn khác là Bcons cũng thông báo sẽ ra mắt dự án chung cư cao 36 tầng nổi và 2 tầng hầm, với 500 căn hộ chung cư vừa túi tiền tại Bình Dương. Ngoài ra, Bcons tiếp tục ra thêm sản phẩm tại dự án Bcons City, với 174 căn nhà phố, 8.000 căn hộ ở, 2.000 căn hộ cho thuê...
Nhiều liên danh trong và ngoài nước cũng đang hướng nguồn lực tới phân khúc bình dân. Đơn cử, công ty cổ phần Đầu tư TT Capital cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu cũng ra mắt liên doanh hợp tác dài hạn trong việc phát triển các dự án bất động sản vừa túi tiền tại TPHCM và các tỉnh lân cận. Liên doanh tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD trong vòng 5 năm tới, mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ vừa túi tiền.
Sự chạy đua của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp nguồn cung phân khúc nhà ở vừa túi tiền có thể bùng nổ ở các thị trường vùng ven TP.HCM, Hà Nội trong 1-2 năm tới, giải tỏa "cơn khát" sở hữu nhà cho người dân có nhu cầu ở thực vốn đang lên tới đỉnh điểm trong thời gian qua.
Nhật Minh