Cuối tuần trước, trong một cuộc gặp gỡ với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, rất nhiều công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các chính sách về nhà ở, đa phần các ý kiến than thở “không biết tìm nhà ở xã hội ở đâu”.
“Khát” nhà ở xã hội
Anh Nguyễn Trần Đăng Minh, lao động công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 10, chia sẻ anh cùng đa số lao động ở các tỉnh vùng ven đến TP.HCM làm việc đều đang gặp sức ép về vấn đề nhà ở, phần lớn chọn dạt về các khu vực xa trung tâm để thuê nhà trọ nhằm giảm chi phí.
Thời gian qua, nghe báo đài nói rất nhiều về phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên, trên thực tế, anh Minh cùng đồng nghiệp vẫn rất mù mờ không biết nguồn cung ở đâu để mua. “Nghe nhà ở xã hội nhiều nhưng thấy xa xôi quá, không biết tìm hiểu ở đâu”, anh Minh thổ lộ.
Vấn đề anh Minh nêu ra nhận được nhiều sự chia sẻ của công nhân, người lao động trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo UBND TP.HCM vừa diễn ra. Ông Trần Anh Kiệt, chủ tịch công đoàn cơ sở công ty TNHH Hitachi Zosen Việt Nam, đặt câu hỏi cụ thể thành phố sẽ có bao nhiêu căn chung cư, nhà trọ cho công nhân, lao động thuê?
Nhà ở xã hội vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu sản phẩm trên thị trường bất động sản. |
Thực tế, không chỉ tại TP.HCM, “cơn khát” nhà ở xã hội đang là vấn đề chung của hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là lý do Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Nhiều địa phương đã tích cực trong đầu tư, khởi công xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nguồn cung phân khúc này vẫn rất hạn chế.
Cụ thể, kể từ khi đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội được thông qua, đến nay Hà Nội chỉ có ba dự án với 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP.HCM có bảy dự án, 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng có năm dự án, 2.750 căn, đáp ứng 43%...
Đáng chú ý, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội thời gian qua cũng liên tục than khó. Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch VinGroup, đánh giá lãi suất cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng cũng như để thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay còn cao, với chủ đầu tư là 8%/năm, khách hàng là 7,5%/năm.
Cùng với đó, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội kéo dài, nhiều hơn so với nhà ở thương mại. Từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm.
Ngăn “lách luật”, hóa giải nghịch lý
Trước những diễn biến từ thực tế, Cơ quan thẩm tra của Quốc hội vừa đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện việc phát triển nhà ở xã hội và có giải pháp xử lý tình trạng “lách luật” đầu tư, mua bán phân khúc này.
Cụ thể, sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình phát triển kinh tế xã hội 2023 và những tháng đầu năm 2024. Thẩm tra báo cáo, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn nhận những khó khăn của thị trường địa ốc vẫn tiếp diễn, đặc biệt là với nhà ở xã hội.
Nguyên nhân của khó khăn được chỉ ra là bởi
vướng ở khâu quy trình, thủ tục phát triển dự án nhà ở xã hội. Doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Đáng chú ý, thị trường vẫn tiếp diễn tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán loại hình này.
Ủy ban Kinh tế cảnh báo tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy như người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ); nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
"Người nghèo đang phải trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.
Có thể thấy, việc “lách luật” mua bán nhà ở xã hội đang vào tầm ngắm, đây là hành động rất cần thiết của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo chuyên gia, để tăng nguồn cung phân khúc này, cần nhiều giải pháp đồng bộ khác.
Trước hết là chữa bệnh “có tiền mà không tiêu được”. Báo cáo của Ngân hàng Nhà Nước cho biết gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội đến nay mới giải ngân được khoảng 531 tỷ đồng, tức chưa tới 1% với 6 dự án. Đặc biệt, số tiền từ nhà băng đến tay người mua nhà chỉ đạt hơn 540 triệu đồng cho 2 dự án (tính đến cuối tháng 4).
Theo đó, giới chuyên gia cho rằng để đẩy nhanh tiến độ gói ưu đãi, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là giảm lãi suất và khơi thông các vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề nghị Bộ Xây dựng khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (từng được Bộ Xây dựng đề xuất trước đó) để đạt mục tiêu xây tối thiểu một triệu căn nhà xã hội đến 2030. Ở gói này, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm, thời hạn vay tối đa 25 năm, tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng áp dụng hơn 10 năm trước.
Bên cạnh đó, để tăng sức hút với doanh nghiệp, ông Châu đề nghị dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tăng thêm lợi nhuận định mức lên 15%, thay vì 10% như trước, áp dụng cho doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất.
Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, cho rằng cần lập quỹ phát triển nhà ở xã hội với nguồn vốn ưu đãi từ ngân sách nhà nước, giúp lãi suất cho vay hạ xuống. Nguồn vốn ngân sách sẽ đóng vai trò đầu mối, cùng với nhiều nguồn lực khác được huy động thêm…
Nhật Minh