Tại Việt Nam, nhu cầu nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ ngày càng bức thiết bởi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động từ 15 – 59 tuổi.
Các thành phố lớn hay siêu đô thị như Tp.HCM, Hà Nội đang bùng nổ nhu cầu về chỗ ở trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Mỏi mắt tìm nhà giá rẻ
Anh Hoàng Văn Minh, một viên chức tại Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, cho biết anh tích cóp và vay mượn gia đình được 800 triệu đồng, nhưng suốt cả tháng nay anh vẫn chưa tìm được căn nào phù hợp.
Ban đầu anh tìm mua đất thổ cư tại Vân Canh (Hoài Đức), diện tích 30 m2 có giá 25 triệu đồng/ m2, nhưng mua đất rồi anh sẽ không còn tiền xây nhà. Chuyển hướng sang thị trường chung cư, anh tìm hoài, tìm mãi, nhưng không có căn nào dưới 1 tỷ đồng.
Một số dự án như The K Park khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông có giá từ 20 triệu/m2; Tổ hợp chung cư Goldsilk Kim Văn Kim Lũ giá 17,5 triệu/ m2; Galexia Riverside Tam Trinh, quận Hoàng Mai có giá 19-21 triệu đồng/m2; dự án chung cư Tứ Hiệp Plaza có giá bán gần 20 triệu đồng/m2… Tuy nhiên, các dự án này đều không có căn hộ nhỏ dưới 50 m2 phù hợp với túi tiền của mình.
May mắn cũng đã mỉm cười với anh khi Tập đoàn Mường Thanh vừa mở bán 2.000 căn hộ thương mại giá rẻ tại khu đô thị Mường Thanh (Thanh Hà) có mức giá 12-12,5 triệu đồng/m2. Anh đã nhanh chóng đặt cọc mua một căn phù hợp với túi tiền của mình.
May mắn hơn anh Minh, ông Nguyễn Văn Đạt, một cán bộ hưu trí cũng đã tìm đến nhà ở thương mại giá rẻ tại khu đô thị Đặng Xá – Gia Lâm của Tổng công ty Viglacera với giá bán 13 triệu đồng/m2.
Ông Đạt cho biết ông cũng đã tìm hiểu và tham khảo nhiều nơi, nhưng giá cả chênh lệch lớn. Các khu như Thạch Bàn, Cầu Đông Trù… giá tầm 19-22 triệu đồng/m2 nên ông đã quyết định mua ở khu vực này vừa có không gian đẹp, giá cả hợp lý. Căn hộ của ông 60 m2 có giá 800 triệu đồng, phù hợp với điều kiện và lối sống của tuổi già.
Theo số liệu chính thức từ Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, các khu vực đô thị trên cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5 m2/người) và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Do đó, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Số liệu khảo sát từ công ty nghiên cứu CBRE cho thấy nhu cầu nhà ở giá rẻ là cao nhất và phát triển bền vững nhất. Riêng tại Tp.HCM, căn hộ bình dân và trung cấp có giá bán từ dưới 15 triệu đồng đến tối đa 32 triệu đồng/m2, chiếm đến 80% thị phần căn hộ bán ra tại Tp.HCM trong giai đoạn 2015 – 2017.
Tuy nhiên hiện nay, nhà ở cao cấp chiếm đến hơn 50% thị phần nhà ở. Cho thấy, các doanh nghiệp hiện nay không mặn mà với nhà ở thương mại giá rẻ.
Một số chuyên gia bất động sản cho rằng hiện nay, nhiều doanh nghiệp không mặn mà với nhà giá rẻ do quỹ đất có vị trí tốt, thuận lợi ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng, giá nguyên vật liệu tăng cao, tín dụng bất động sản kiểm soát chặt chẽ hơn. Nếu doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà giá rẻ thì lợi nhuận rất thấp.
Khu đô thị Đặng Xá |
Thế nào gọi là nhà giá rẻ
Trước nhu cầu bức thiết về nhà ở thương mại giá rẻ cho người thu nhập trung bình và thấp, theo đánh giá của Bộ Xây dựng đến năm 2020 cần 700.000 căn hộ, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm phát triển phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền, khoảng trên dưới một tỷ đồng một căn.
Theo HoREA, dòng sản phẩm này có tính thanh khoản cao, dễ dàng vượt khó và bền vững trong mọi biến động nóng lạnh của thị trường. So với các phân khúc cao cấp, hạng sang, nhà thương mại giá rẻ sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với hoàn cảnh tín dụng bất động sản ngày càng thắt chặt.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đánh giá hiện nay, nhà giá rẻ chia làm nhiều tiêu chí theo địa bàn và khu vực. Ở những quận trung tâm, quận có hạ tầng đã phát triển tại Hà Nội và Tp. HCM, nhà giá rẻ khoảng 25 triệu đồng/m2. Còn nhà giá rẻ ở xa hơn, như huyện ngoại thành hoặc một số tỉnh ven các thành phố lớn, giá tầm 13-15 triệu đồng/m2.
Như vậy, khu đô thị Mường Thanh (Thanh Hà) được tính là các huyện ngoại thành và được quy hoạch từ trước nên có chi phí thuế đất, đền bù giải phóng mặt bằng và các chi phí khác rẻ hơn, người dân được hưởng lợi hơn.
Hoặc khu đô thị Đặng Xá, khu vực đã được quy hoạch, nộp thuế đất hàng chục năm trước, giá thành ở mức rẻ thật sự. Thêm nữa, Viglacera là doanh nghiệp "tự cung, tự cấp" các vật liệu xây dựng, nên có thể căn chỉnh được giá thành.
Phạm Minh