Từ bài học “vùng đô thị”
Xu hướng giãn dân về các khu vực đô thị nhánh dường như đang được Hà Nội thúc đẩy, với những thông tin về việc quy hoạch “giấc mơ sông Hồng”, mở trục hai bên bờ sông, đề xuất làm tuyến đường huyết mạch Vành đai 4, Thủ đô sẽ có thêm 8 quận mới, hay xây dựng 5 thành phố vệ tinh cho Hà Nội…
Các nhà quy hoạch cho rằng, điều này là đúng đắn trong điều kiện phát triển nóng của Hà Nội thời gian qua. Trên thế giới, chính các nước cũng từng phải đối mặt với bài toán nan giải này. Giải pháp được đưa ra và sau đó đã trở thành “kinh điển” là mô hình thành phố vệ tinh, hay còn gọi là các đô thị nhánh.
Thủ đô Paris của Pháp là một dẫn chứng điển hình. Từng có thời kì, thành phố hoa lệ này phải đối mặt với tình trạng tắc đường, ô nhiễm, ngập úng, hậu của việc đô thị hóa quá nhanh. Paris năm 1965 đưa ra chiến lược hoàn toàn mới, đó là xây dựng 5 thành phố vệ tinh cách lõi Thủ đô khoảng 25-30km. Ý tưởng này sau đó được hiện thực hóa và đã mang lại đột phá tích cực khi vừa cải thiện các vấn đề mật độ dân số khu vực trung tâm cũ, điều kiện hạ tầng, vừa mở rộng phát triển kinh tế.
Thành phố vệ tinh đã trở nên phổ biến trên thế giới, giúp giải quyết các điểm nghẽn quy hoạch của các đô thị lớn. |
Một ví dụ khác tại Canada, thành phố 5 triệu dân Toronto thực tế là “vùng đô thị” với 5 thành phố, trong đó hạt nhân là Toronto thực chất chỉ có khoảng nửa triệu người dân. Hay, như Tokyo và NewYork, với quy mô dân số gấp khoảng 3-5 lần Hà Nội, nhưng nhờ thực hiện mô hình “thành phố mới – New Towns”, chất lượng cuộc sống tại đây vẫn được đảm bảo.
Thực tế, việc xây dựng các đô thị ngoài trung tâm lõi không chỉ là giải pháp của riêng nhà quản lí mà còn phù hợp với nhu cầu đang thay đổi của người dân. Xu hướng “bỏ phố ra ngoài” vài năm gần đây mới được nhắc tới ở Việt Nam nhưng cách gọi tương tự đã diễn ra cả thập kỉ trước trên thế giới.
Số liệu công bố mới đây của Cơ quan Thống kê Mỹ cho thấy, dân số tại các khu vực lõi ở thành phố lớn của Mỹ đã giảm trong 6 năm liên tiếp, do sự chật chội, đắt đỏ và chất lượng sống thấp. Vì lẽ đó, như đánh giá của McMahon - nhà sáng lập tổ chức tư vấn và giám sát, thúc đẩy cải cách chính sách công The Empire, không chỉ người giàu, các gia đình trung lưu đang chọn sống ở Long Island và đi làm tại New York với chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ di chuyển.
Còn tại đất nước mặt trời mọc, theo một khảo sát năm 2020 của Chính phủ Nhật Bản, có tới 50% người được hỏi muốn chuyển khỏi Tokyo ra ngoại vi. Tỉ lệ này tăng tới 27% so với năm 2018. Với hệ thống metro hiện đại, rất nhiều vẫn có thể sinh sống ở những nơi nhiều cây xanh hơn như Chiba, Saitama, lên tàu điện chỉ 1 giờ đồng hồ để đi làm.
Tới “siêu đô thị” đa cực Hà Nội
Nhìn Hà Nội từ độ cao quy hoạch, chuyên gia, TS. Trần Minh An cho rằng, Thủ đô đã có bóng dáng của một thành phố đa cực bởi hai yếu tố quan trọng nhất: Một là sự xuất hiện của các trung tâm mới và hai là hệ thống hạ tầng quy mô lớn.
Theo TS. An, hơn 10 năm trước, Hà Nội rõ ràng là thành phố “nhất cực”, thậm chí là gói gọn trong 4 quận nội đô. Một số khu vực như Cầu Giấy, Mỹ Đình, Gia Lâm, Long Biên dù chỉ cách Hồ Gươm chưa tròn 10 cây số nhưng được gọi là “ngoại ô”.
Tuy nhiên, cùng với hệ thống hạ tầng huyết mạch quan trọng như Cầu Vĩnh Tuy, Đại lộ Thăng Long (năm 2010) và sau đó là cầu Đông Trù (năm 2014), cầu Nhật Tân (năm 2016),... khoảng cách nhanh chóng bị xóa bỏ. Người dân Hà Nội càng ngày càng ưu tiên lựa chọn việc sinh sống tại các khu đô thị xa lõi trung tâm để tận hưởng tiêu chuẩn sống mới, tiện nghi, thoải mái và…dễ thở hơn, thay vì cố gắng chen chân sống tại “4 quận nội thành” với mật độ lên tới hơn 35.000 người/km2 (quận Đống Đa).
Hà Nội trong những năm gần đây đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng, góp phần tăng tính kết nối trong nội đô cũng như đến các tỉnh thành khác. |
Khơi thông được các tuyến đường, cùng với việc đầu tư lớn của các doanh nghiệp vào vùng đất mới, theo TS. Trần Minh An đã giúp Hà Nội hình thành thêm các “trung tâm mới”.
“Mỹ Đình, Thanh Xuân hay Long Biên, Gia Lâm trong thời gian ngắn đã thay da đổi thịt, tạo nên các cực đô thị mới được người dân yêu thích. Điển hình như cực phía Tây với đại đô thị Vinhomes Smart City, phía Đông Hà Nội, khu vực Gia Lâm có Vinhomes Ocean Park đều là dạng trung tâm mới hiện đại điển hình”, ông An đánh giá.
Xu hướng này thậm chí sẽ còn được đẩy nhanh về khu vực Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Đây chính là 5 thành phố vệ tinh trong kế hoạch của Thủ đô tới năm 2030. Mới đây nhất, một “cực” quan trọng đang dần hình thành là phân khu đô thị sông Hồng. “Giấc mơ sông Hồng” theo kế hoạch sẽ tạo nên một khu đô thị khổng lồ kéo dài tới 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Trong bức tranh lớn ấy, như TS. Nguyễn Trúc Anh (Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội) từng lên tiếng, Thủ đô sẽ là đô thị hạt nhân, kết hợp với các đô thị vệ tinh, hình thành “vùng giao thoa” phát triển giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Một phần quan trọng theo giới quy hoạch là hệ thống “mạch máu” của Hà Nội đang được hoàn thiện tốt. Hà Nội đang triển khai tới 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài lên tới 318 km. Đáng nói là kế hoạch xây dựng thêm 10 cầu vượt sông Hồng đã và đang triển khai, bao gồm: cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà, cầu Thăng Long mới, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy 2... Năng lực vận tải và khả năng kết nối sẽ tăng gấp nhiều lần hiện tại.
“Hà Nội sẽ là một siêu đô thị với sự phân hóa rõ rệt trong khoảng 10 năm tới. Khu vực đô thị trung tâm sẽ là các quận tài chính, nơi người dân buổi sáng tới làm việc. Cuối ngày, mọi người sẽ di chuyển về các đô thị nhánh, nơi có các đô thị chất lượng, môi trường tốt để sinh sống”, TS. An nhận định.
H.C