Bộ Tài Chính mới đây đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó có nội dung về mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Giải pháp giảm đầu cơ
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành của nước ta không phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng. Trong khi đó, để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ nhà đất, trong đó có áp thuế thu nhập cá nhân.
Đặc biệt, tại một số quốc gia đang đánh thuế cao đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua qua, bán lại. Nếu thời gian giao dịch diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, ngược lại diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn.
Hành vi lướt sóng đầu tư nhà đất đang được đề xuất đánh thuế cao nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ. |
Điển hình như tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất là 50%, sau 3 năm là 25%.
Hay tại Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%, thực hiện trong 2-5 năm thuế suất là 35%, trong 5-10 năm thuế suất 20% và thực hiện sau 10 năm mức thuế suất là 15%.
Từ thực tế trên, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản, Bộ Tài chính cho rằng, có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.
Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh đúng thực tế. "Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân theo thời gian nắm giữ cũng cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở và hạ tầng công nghệ thông tin", Bộ Tài chính nêu.
Các “đầu nậu” có lo?
Như vậy, sau những tranh cãi trái chiều về đánh thuế bất động sản thứ 2, cơ quan quản lý tiếp tục đưa ra thêm một giải pháp liên quan đến chính sách thuế nhằm chặn đầu cơ, thao túng thị trường.
Câu hỏi đặt ra là liệu giới đầu cơ có lo ngại nếu đề xuất của Bộ Tài chính thành hiện thực? Câu trả lời của không ít chuyên gia và cả những người trong cuộc là các nhà đầu tư, thì để tăng cơ hội tiếp cận nhà ở cho người dân, đánh thuế chưa hẳn là giải pháp tối ưu.
Anh Trần Tiến Trọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chỉ trong hơn 3 tháng qua, anh đã chi hơn 6 tỷ đồng để mua vào 3 lô đất nền, 1 lô ở Sóc Sơn và 2 lô ở Hưng Yên. Tất cả đều có mức giá khá “hời” vì chủ đất cũ không gồng được áp lực tài chính phải "thoát hàng" để thu hồi vốn.
Trao đổi với Vnbusiness về chủ trương tăng thuế tài sản, đặc biệt là đánh thuế cao với những người sở hữu nhiều nhà đất, anh Trọng khẳng định: “Đây chưa phải là mối lo hiện hữu với những nhà đầu tư hay giới đầu cơ có dòng tiền mạnh, vì từ đề xuất đến đi vào hiện thực còn lâu”.
Nếu xét trên thực tế, niềm tin của anh Trọng không hẳn thiếu cơ sở, bởi như vấn đề tăng thuế tài sản với nhà đất đã từng được đưa ra nhiều lần, diễn ra từ cách đây nhiều năm, nhưng đến nay vẫn “lỗi hẹn” và những nhà đầu cơ vẫn không ngừng kiếm bộn từ đất, tình trạng đầu cơ vẫn diễn ra phổ biến.
Ngay cả khi chính sách tăng thuế được áp dụng, theo anh Trọng, áp lực với những nhà đầu tư có tiềm lực cũng không quá lớn, có chăng chỉ giảm đôi chút lợi nhuận. Thuế chỉ khiến các nhà đầu tư đi vay “chùn tay”, còn với người có tiền thì không thành vấn đề, bởi họ không có áp lực thanh khoản, càng để lâu thì giá nhà đất càng lên, tiền thuế so với lãi tăng là không quá đáng kể.
“Việc đánh thuế chỉ khiến giá cả tăng thêm, vì giá đất sẽ bị người bán cộng thêm thuế. Nhìn sang các mặt hàng xa xỉ khác như xe hơi, thời trang… có thể thấy giá hiện nay đắt gấp 2, 3 lần ở châu Âu, châu Mỹ do thuế nhưng người Việt vẫn mua hoặc buộc phải mua”, anh Trọng phân tích.
Chủ trương đánh thuế mua bán nhà đất theo thời gian nắm giữ nhằm ngăn nạn đầu cơ, theo giới chuyên gia, là xu thế chung đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ở chiều hướng tích cực, việc đánh thuế “lướt sóng”, hay căn nhà thứ hai trở đi sẽ góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc đánh thuế tác động ra sao tới giá bất động sản, tình trạng đầu cơ lại là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng, giá cả trên thị trường được quyết định phần lớn ở quan hệ cung - cầu, thuế chỉ là một biện pháp giúp ổn định thị trường trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, từng cho biết nhìn ở góc độ vĩ mô, thuế là một giải pháp tốt, giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước và góp phần điều chỉnh thị trường trong ngắn hạn, nhưng không duy trì được tác động trong dài hạn. Đặc biệt, công cụ thuế sẽ không phát huy được hết tác dụng nếu nguồn cung trên thị trường tiếp tục khan hiếm.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình muốn hạ nhiệt đầu cơ nhà thì quan trọng nhất là phải tăng nguồn cung, giãn dân ở những đô thị đông đúc. Muốn làm được điều này thì phải đầu tư hạ tầng nhanh hơn, nhiều hơn để người dân có thể di chuyển nhanh hơn từ vùng ven vào trung tâm.
Cần nhắc lại, có một thực tế dễ thấy trên thị trường bất động sản thời gian qua là khi giá nhà đất tăng, tiền vẫn chủ yếu chảy vào túi giới đầu cơ thay vì ngân sách nhà nước.
Do đó, đánh thuế có thể là một công cụ hữu hiệu để "nắn" lại thị trường địa ốc lành mạnh hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sắc thuế mới có giúp bình ổn thị trường, giảm giá nhà hay không vẫn là một “bài toán” vô cùng khó, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tính kỹ lưỡng để đưa ra đáp án đúng.
Hưng Nguyên