Đất nền tại các đặc khu tương lai tăng giá mạnh trong thời gian gần đây được giải thích bởi rất nhiều lý do, trong đó có việc tâm lý người Việt Nam vốn rất thích đất nền và đầu tư đất nền.
Đặc biệt, người dân đổ xô đầu tư đất nền đặc khu, tấp nập chuyển nhượng, mua đi bán lại, đẩy giá đất lên cao để kiếm lời do thấy cán bộ địa phương… cũng đang đầu tư đất._
Chưa thu hồi đất vẫn cấm giao dịch?
Theo Gs. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, khi Chính phủ có chủ trương xây dựng nơi nào đó trở thành đặc khu thì việc tăng giá đất và các nhà đầu tư tham gia vào mua bán đất ở đó là đúng quy luật.
Trước đây, đã có lúc Chính phủ cấm hẳn việc phân lô bán nền, tuy nhiên có thời gian quy định việc chia lô, bán nền là quyết sách của mỗi địa phương.
Ông Võ cho rằng các cơ quan nhà nước cần xác định đâu là địa phương có người thu nhập thấp để được áp dụng cơ chế này. Còn nếu mở rộng ra thì người giàu sẽ mua đất phân lô bán nền chứ không phải người nghèo.
"Cơn sốt đất" tại các đặc khu kinh tế hiện nay chính là phản ánh thực trạng này, khi những người có tiền cùng giới "cò đất" đổ tiền vào "lướt sóng" kiếm lợi.
Tại một số địa phương xảy ra tình trạng "sốt đất", việc tìm ra giải pháp để ngăn chặn là rất cần thiết. "Tuy nhiên, việc chính quyền các địa phương yêu cầu tạm dừng các giao dịch chuyển nhượng đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm pháp luật, bởi đó là quyền của người sở hữu đất", ông Võ nói.
Quyền này chỉ không được thực hiện khi có quyết định thu hồi đất của Nhà nước. Như vậy, hiện tại, các địa phương vẫn chưa có các quyết định thu hồi đất lại cấm giao dịch là không đúng luật.
Chia sẻ về tác động của "cơn sốt đất" tới thị trường bất động sản, ông Võ cho hay: một bài học mà nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư đất trong bối cảnh đất đang "sốt" là sẽ đến lúc "hạ nhiệt". Lúc đó, rất nhiều nhà đầu tư tháo chạy không kịp sẽ bị thiệt hại toàn bộ, thậm chí mất hoàn toàn cơ nghiệp.
Nghiêm trọng hơn, việc này còn gây thiệt hại chung cho đất đai khu vực đó, tác động mạnh đến toàn bộ nền kinh tế cũng như quá trình xây dựng đặc khu kinh tế sau này.
Để chặn "sốt đất" thì ngay cán bộ địa phương không mua đất. Thay vào đó, cần tuyên truyền, vận động cho người dân biết những hệ lụy của "sốt đất ảo" xảy ra với chính các nhà đầu tư khi "mắc cạn" |
Không để cán bộ quản lý mua bán đất
Để chặn "cơn sốt đất", ông Võ cho rằng các địa phương này nên đưa ra biện pháp khác để kìm hãm sự tăng giá, tích tụ "bong bóng", tạo "sốt ảo" chứ không nên cấm giao dịch.
Bản chất việc cấm giao dịch này không phù hợp với Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Dân sự. "Hơn nữa, điều này có thể khiến dư luận cho rằng ngay cả chính quyền cũng làm không đúng pháp luật thì làm sao có xã hội pháp quyền được, do đó cần cân nhắc thật kỹ", ông Võ cho hay.
Nói về giải pháp cụ thể để cắt "cơn sốt đất", ông Võ cho rằng các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng cần chấp nhận một thực tế là khi đã trở thành đặc khu, việc tăng giá đất là đúng quy luật.
Vấn đề ở đây là chính quyền các cấp phải tăng cường công tác quản lý để tránh việc tăng giá đất, giá đất bị đẩy lên quá cao tạo "sốt ảo", "bong bóng".
Theo ông Võ, chính quyền hoàn toàn làm được và ngăn chặn được việc này. "Tôi cho rằng tại những nơi "sốt đất" tăng cao hầu hết đều có cán bộ quản lý tham gia vào mua đi bán lại. Đó là cán bộ cấp xã/phường, huyện, tỉnh thấy có lợi thì "lướt sóng"", ông Võ nhận định. Khi người dân thấy cán bộ mua đất cũng đầu tư theo.
Như thế để thấy rằng để chặn "sốt đất" thì ngay cán bộ địa phương không mua đất. Thay vào đó cần tuyên truyền, vận động cho người dân biết những hệ lụy của "sốt đất ảo" xảy ra với chính các nhà đầu tư khi "mắc cạn".
"Người dân mạnh tay mua đi bán lại đất đai vì họ thấy cán bộ đang làm thì dại gì mà không làm. Cứ như vậy, "cơn sốt đất" bị đẩy lên cao không có điểm dừng.
Trong khi đó, nếu cán bộ địa phương gương mẫu ngay từ đầu, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ những hậu quả nghiêm trọng của việc "sốt đất" thì chắc chắn sẽ không có "cò đất", hay người dân nào dám đầu cơ", ông Võ nói.
Minh Sơn