Qua thực hiện 48 cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đô thị trong các năm 2016-2018, kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 10.918 tỷ đồng; kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉnh sửa, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt quản lý, sử dụng đất như việc hướng dẫn phương pháp định giá đất, việc xác định giá khởi điểm của thửa đất đấu giá…
Theo ông Nguyễn Quang Thành, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, quản lý sử dụng đất đai là vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, mang yếu tố lịch sử và có lợi ích đan xen giữa nhiều đối tượng và thành phần trong xã hội.
Đã có 48 cuộc kiểm toán về đất
Việc quản lý và sử dụng đất trong thời gian qua tại nhiều cơ quan, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa áp dụng đầy đủ và đúng các quy định của pháp luật, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, thủ tục hành chính về đất đai. Mặt khác, các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều vướng mắc, bất cập và thiếu đồng bộ.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất (SDĐ), trong đó có 48 cuộc kiểm toán liên quan tới quản lý, sử dụng đất đô thị.
Đơn cử như, việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch SDĐ của nhiều địa phương còn chưa sát với nhu cầu và thực tế tình hình SDĐ; quy hoạch "đất ở không hình thành đơn vị ở" không có trong quy định của Luật Đất đai năm 2013; chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết SDĐ, quy hoạch xây dựng còn yếu kém.
Bên cạnh đó, việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch của các dự án đa số theo xu hướng tăng số tầng, vượt chiều cao theo quy định, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng.
Ông Thành cho biết qua kiểm toán cũng cho thấy nhiều địa phương không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu giá quyền SDĐ, mà chủ yếu đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Theo ông Thành, điều này vi phạm Luật Đất đai.
Hơn nữa, nhiều địa phương cho phép chuyển mục đích SDĐ đối với một số dự án không đúng đối tượng, không thuộc danh mục di dời, không thuộc trường hợp giao chỉ định theo Quyết định số 9 và Quyết định số 86 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cho chuyển mục đích SDĐ từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị không đúng quy định; giao đất khi văn bản chấp thuận đầu tư đã hết hiệu lực…
Trọng tâm kiểm toán về đất đai
Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, năm 2019, bên cạnh các cuộc kiểm toán tài chính, KTNN xác định kiểm toán công tác quản lý SDĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh đó, KTNN sẽ thực hiện các chuyên đề quy mô lớn và chuyên sâu như: Chuyên đề "Việc quản lý, SDĐ trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2017" theo yêu cầu của Quốc hội; Chuyên đề "Việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT giai đoạn 2014 – 2018 tại thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Bắc Ninh, Thanh Hóa".
Nội dung các cuộc kiểm toán này sẽ ưu tiên tập trung vào việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị xử lý tài chính, tăng thu NSNN các khoản phải nộp tăng thêm; kịp thời chuyển cơ quan điều tra các sai phạm có dấu hiệu vi phạm luật hình sự để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Đồng thời, kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đất đai… nhằm phát hiện các tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách để bịt các lỗ hổng, tránh thất thoát NSNN.
Theo ông Thành, năm 2019, KTNN sẽ tiến hành kiểm toán 3 doanh nghiệp thuộc khối quốc phòng, an ninh; 21 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước và 4 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng. Trong đó có một số ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam…
Việc kiểm toán đối với các doanh nghiệp này nhằm tập trung đánh giá thực trạng việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và việc thực hiện công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; đánh giá các hoạt động quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như: Giá năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác và việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường…
Phạm Minh