Ngành sản xuất công nghiệp ôtô của Việt Nam mặc dù chưa phát triển, nhưng các công ty như THACO, VinFast đang có kế hoạch xây dựng các trung tâm sản xuất ôtô khổng lồ và chuyên nghiệp.
Cùng với đó, các nhà lắp ráp xe hơi nổi tiếng quốc tế như Mercedes - Benz, Toyota hay Mitsubishi Motors, cũng có các kế hoạch mở rộng của riêng họ. Ngoài ra, các nhà sản xuất và cung cấp phụ tùng xe hơi cũng tham gia cuộc chơi với những yêu cầu về đất công nghiệp ngày càng tăng.
Mở rộng đất công nghiệp
Theo báo cáo của công ty TNHH CBRE, hiện nhiều khu đất công nghiệp của Việt Nam như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh… đã bão hòa. Khách thuê có thể chuyển hướng sang Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam… vì ở đó họ có thể thuê được diện tích lớn hơn, nguồn nhân lực rẻ hơn…
Còn tại miền Nam, khu vực Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cũng bão hòa, các nhà đầu tư phải tìm sang đất ở Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Một vài năm tới, thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Lazada… sẽ là một ngành phát triển mạnh hơn, cần nhiều hơn kho logistics đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại để có thể phân phối sản phẩm đến tay khách hàng tại Việt Nam.
Đặc biệt, đánh giá của chuyên gia CBRE cho thấy, sản xuất, lắp ráp ôtô là ngành có tiềm năng, khi người dân Việt Nam đạt được mức độ thu nhập cao sẽ có xu hướng mua chiếc xe cho mình.
Theo nghiên cứu của CBRE, trong 5 năm qua, tính đến năm 2018, tỷ lệ bán xe lắp ráp trong nước lớn nhất đạt 75,1%, lượng xe nhập khẩu đạt 24,9%.
Hiện, tại Việt Nam, các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô đang có các chiến dịch mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu cũng như nhu cầu của người dân trong nước.
Con số thống kê của CBRE cho thấy năm 2017, VinFast triển khai xây dựng tổ hợp sản xuất ôtô tại Hải Phòng với diện tích 335 ha, công suất lên tới 500.000 chiếc/năm. Toyota yêu cầu mở rộng 9,1 ha đất với công suất 90.000 chiếc/năm. Hyundai mở rộng 100 ha đất tại Ninh Bình có công suất 200.000 chiếc/năm.
Khu vực miền Trung, năm 2018, THACO mở rộng dây chuyền sản xuất Mazda 30 ha, công suất 100.000 chiếc/năm. Cùng với đó, năm 2018, Mitsubishi tuyên bố xây dựng nhà máy lắp ráp thứ hai tại Long An với công suất lên tới 50.000 chiếc/năm.
Sự mở rộng sản xuất của các hãng ôtô trong và ngoài nước sẽ là cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản công nghiệp phát triển mạnh.
Việc các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô phát triển, thị trường bất động sản công nghiệp cung cấp không chỉ quỹ đất, không gian lưu trữ, mà còn tích hợp cơ sở hạ tầng công nghiệp và hậu cần, để phục vụ tập trung cho ngành sản xuất ôtô.
![]() |
Nhiều thách thức từ chính sách
Theo ông Đặng Thanh Sơn - Cố vấn cao cấp Baker Mc Kenzie, hiện nay thị trường bất động sản công nghiệp có 4 thách thức, gồm: Thiếu khung pháp lý ổn định thu hút FDI, có nhiều lỗ hổng, khoảng trống giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế; giá thuê đất thay đổi mỗi năm; chỉ số lạm phát còn cao, đây cũng là một trong những thách thức với doanh nghiệp FDI; hạn chế về lực lượng lao động cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ cao.
“Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn có một số lợi thế như giá đất thấp hơn so với Thái Lan, Indonesia; có đường bờ biển kéo dài từ Hải Phòng vào Tp.HCM, thuận lợi cho vận chuyển đường biển và đặc biệt là tình hình chính trị ổn định hơn Thái Lan, Campuchia”, ông Sơn nhấn mạnh.
Nói về những khó khăn để các nhà sản xuất nước ngoài vào Việt Nam mở rộng quy mô, ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc bộ phận tư vấn và giao dịch CBRE, cho rằng trong năm qua, những quy định chính sách thay đổi khá nhiều. Trong đó có thuế VAT lúc đầu bằng 0, sau đó tăng lên 10%, đây là một khoản khá lớn.
“Điều này là do Chính phủ tập trung vào chất lượng đầu tư nước ngoài, muốn các doanh nghiệp đến Việt Nam là phải hành động. Vào Việt Nam sản xuất để xuất khẩu ra ngoài hoặc trong nước nên ngày càng siết chặt hơn”, ông Hiếu nói.
Bà Trương Minh Hạnh - Giám đốc Marketing VSIP Bắc Ninh & VSIP Hải Dương, đề nghị Chính phủ có sự hỗ trợ và cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước - nước ngoài để tạo ra sân chơi bình đẳng, không tạo ra quá nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI.
Liên quan đến giá thuê thay đổi mỗi năm, ông Sơn cho rằng khi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, Chính phủ có thể tăng giá thuê đất. Tức là nguồn cầu tăng thì cần có cạnh tranh bởi đất đai không sinh ra được, doanh nghiệp có nguồn vốn lớn sẵn sàng trả ra giá cao để thuê đất.
“Điều đó là bình thường, Chính phủ có thể điều chỉnh về chính sách, thu lợi thêm ngân sách cho mình”, ông Sơn khẳng định.
Như vậy, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt đến giai đoạn phát triển và cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Vai trò của các nhà hoạch định chính sách được coi là quan trọng nhất, nhưng ngành công nghiệp này cần nhiều hơn thế để phát triển mạnh, nhất là mở rộng quy mô như kế hoạch.
Minh Sơn