Hội đồng Quản trị Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa công bố Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương mua lại 100% vốn góp của một công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ điện.
Đủ "chiêu" thoát hiểm
Dù chưa tiết lộ thông tin về doanh nghiệp được M&A cũng như giá trị thương vụ, tuy nhiên, theo giới thượng tầng của CTD, động thái này nhằm mở rộng hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra sự đa dạng cho hoạt động kinh doanh, gia tăng thêm nguồn thu cho tập đoàn.
Việc Coteccons mua lại một doanh nghiệp để phục vụ cho mảng kinh doanh cốt lõi là xây dựng gây chú ý nhưng không bất ngờ. Bởi trước đó, hồi giữa tháng 10/2023, tại đại hội cổ đông thường niên, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch CTD, khẳng định việc đa dạng hóa nguồn thu là mục tiêu cấp thiết.
Các doanh nghiệp ngành xây dựng đang xoay xở nhiều cách để vượt qua khó khăn. |
Cần phải nhắc lại, cũng vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Coteccons đã phê duyệt chủ trương mua lại 100% vốn góp của một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhằm mở rộng hoạt động của doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 9, Coteccons đã có một công ty con đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị năng lượng. Bên cạnh đó, công ty còn 6 công ty con khác thuộc các lĩnh vực cung cấp dịch vụ xây dựng, dịch vụ lắp đặt thiết bị; môi giới và kinh doanh bất động sản...
Có thể thấy, CTD đang nỗ lực thế nào để vượt qua thời kỳ tăm tối được đánh giá là chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua với ngành xây dựng. Đây cũng là động thái chung của nhiều ông lớn khác.
Điển hình như Xây dựng Hòa Bình (HBC), sau 4 quý liên tiếp “chạm đáy” về doanh thu, tên tuổi nhất nhì ngành xây dựng liên tục có những cuộc tái cấu trúc, từ nội bộ nhân sự đến chiến lược kinh doanh.
Một trong những hành động dễ thấy nhất là “xoay trục” ra nước ngoài. Chủ tịch HBC Lê Viết Hải từng nhiều lần khẳng định trong bối cảnh thị trường bị “co hẹp”, doanh nghiệp này sẽ ưu tiên mở hướng ra nước ngoài, dù đây là hướng đi nhiều thách thức và đòi hỏi sự dài hơi.
Trong diễn biến mới nhất, Hòa Bình thông báo phối hợp với PrimeTech Constructions triển khai dự án Matevulu Sands Hotel and Resorts tại Quốc đảo Vanuatu do Matevulu Sands Limited là chủ đầu tư.
Dự án có tổng giá trị khoảng 42.425 tỷ đồng. Trong đó, HBC sẽ là tổng thầu thiết kế và thi công các hạng mục xây dựng trị giá khoảng 21.219 tỷ đồng. Đây là một dự án quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp này cùng các thành viên trong liên minh Hoa Lư vừa “tuột” gói thầu sân bay Long Thành.
Đã có chuyển biến?
Bên cạnh đa dạng nguồn thu và xoay trục ra nước ngoài, hầu hết doanh nghiệp ngành xây dựng thời gian qua cũng đang thắt chặt chi tiêu, cắt giảm tối đa các khoản chi phí, để có tiền hoạt động.
Điển hình như Hưng Thịnh Incons (HTN), trong 3 quý đầu năm 2023, công ty tiếp tục triển khai tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, tối ưu hóa chi phí đồng thời phát huy tối đa năng lực đội ngũ nhân sự. Chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục giảm so với quý trước.
Tính chung 9 tháng năm 2023, công ty tiết giảm 52,36% chi phí quản lý doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022. Việc thắt chặt chi phí phát sinh giúp doanh thu thuần hợp nhất của HTN đạt hơn 2.446 tỷ đồng trong 9 tháng, hoàn thành 58,2% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 27 tỷ đồng, hoàn thành 54,05% kế hoạch năm, tăng nhẹ so với mức lợi nhuận sau thuế 25 tỷ đồng của giai đoạn bán niên.
Cùng với thắt chặt chi tiêu, HTN đang đẩy mạnh phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Hiện HTN đang triển khai hơn 20 dự án đa dạng loại hình tại nhiều tỉnh thành với giá trị backlog tại thời điểm ngày 31/12/2022 ghi nhận 27.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Fecon (FCN), trong quý III/2023, doanh thu thuần của công ty đạt 547 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp đạt 80 tỷ đồng, giảm 20%. Khấu trừ các loại chi phí, FCN có lợi nhuận trước thuế 7 tỷ đồng, giảm 48%, lợi nhuận sau thuế 1,5 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022.
Để làm ăn có lãi, FNC đã nỗ lực tiết giảm hàng loạt khoản chi phí như chi phí tài chính giảm 20% còn 45 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 49% còn 3,5 tỷ đồng, hay chi phí quản lý giảm 12% còn 45 tỷ đồng…
Có thể thấy, các doanh nghiệp ngành xây dựng đang nỗ lực xoay xở để vượt bão, và không thể phủ nhận điều này đang giúp nhiều đơn vị tìm thấy “ánh sáng nơi cuối đường hầm”, dù thách thức vẫn chưa qua.
Như với Hòa Bình, tổng tài sản tại ngày 30/9/2023 của công ty đạt 13.697 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm, trong đó các khoản phải thu chiếm 67%, đạt 9.184 tỷ đồng, giảm 17%. Các khoản phải thu giảm là tín hiệu rất tích cực với HBC, bởi những khó khăn hiện tại một phần lớn là vì nợ đọng quá nhiều.
Được biết, trong quý IV/2023, công ty sẽ thu nợ hơn 2.800 tỷ đồng từ Novaland, Sun Group, Gamuda, Sunshine Group, Vingroup, Cocobay, Ecopark. Tới Tết Nguyên đán 2024, số nợ dự kiến thu hồi có thể đạt tới 4.846 tỷ đồng. Trước đó, HBC thông tin đã thành công trong việc thu nợ 304 tỷ đồng từ FLC Group.
Có thể thấy, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện, tuy nhiên bức tranh tài chính ngành xây dựng vẫn chìm trong sắc xám. Việc doanh thu không có nhiều đột phá, chất lượng lợi nhuận thấp kỷ lục khiến phần lớn nhà thầu xây dựng vẫn đối diện với hàng loạt thách thức trong quá trình phục hồi.
Giới phân tích cũng nhận định, các nhà thầu xây dựng rất khó trở lại trong ngắn hạn, ít nhất là đến giữa năm 2024, bởi những khó khăn chung của thị trường bất động sản, trong khi các dự án hạ tầng đầu tư công đòi hỏi chặng đường dài hơi từ 3-5 năm, bất chấp Chính phủ đang có nhiều giải pháp tháo gỡ.
Trong bối cảnh đó, tái cấu trúc là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bên cạnh những nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong các vấn đề pháp lý, vốn vay, chi phí không tên, hoãn, giãn nợ..., tạo động lực cho sự phục hồi.
Hưng Nguyên