Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đang là một trong những tên tuổi đầu ngành xây dựng liên tục được nhắc đến trong những ngày qua, bởi các thông tin về thoái vốn, chuyển nhượng dự án, giải thể công ty con, trong bối cảnh công ty vừa trải qua quý đầu năm “èo uột”.
Loay hoay gỡ khó dòng tiền
Vừa qua, DIG thông qua chủ trương thoái một phần vốn tại DIC Anh Em, đồng thời thoái toàn bộ vốn tại CTCP Cao su Phú Riềng - Kratie cho nhà đầu tư có nhu cầu nhận chuyển nhượng. Thời gian hoàn tất chuyển nhượng trước 30/09/2024 với hình thức thanh toán là chuyển khoản.
Trước đó, DIG cũng thông qua chủ trương giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point, công ty con do DIG sở hữu 100% vốn. Doanh nghiệp này mới chỉ được DIG thành lập hồi tháng 6/2023 vừa qua, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Có dấu hiệu phục hồi, song các doanh nghiệp xây dựng vẫn đối diện nhiều thách thức. |
Những động thái mới của DIG gây chú ý hơn bởi tình hình doanh không quá nhiều điểm sáng thời gian qua. Cụ thể trong quý II/2024, DIG ước doanh thu hợp nhất đạt 874 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 160 tỷ đồng. Kết quả này được đánh giá khả quan hơn rất nhiều khi DIG ghi nhận thua lỗ nặng nề trong quý I, với doanh thu thuần đạt vỏn vẹn 489 triệu đồng và lợi nhuận sau thuế âm hơn 120 tỷ đồng.
Tương tự DIG, trước đó, Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng vừa công bố thông tin bất thường về việc thoái sạch vốn tại 2 công ty liên kết là CTCP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt và CTCP Kỹ thuật Jesco Hoà Bình.
Hoạt động thoái vốn diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của HBC có cải thiện nhưng không mấy khởi sắc. Cụ thể, tính đến hết quý I/2024, tổng tài sản của HBC ghi nhận đạt hơn 14.892 tỷ đồng, giảm gần 350 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, gần 70% tài sản của công ty là các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 10.239 tỷ đồng. Doanh nghiệp chỉ còn 315 tỷ tiền mặt và tiền gửi.
Những diễn biến thực tế, đặc biệt là động thái tái cơ cấu mạnh mẽ của các doanh nghiệp có tên tuổi cho thấy các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn đang đối diện với không ít thách thức về dòng tiền, đòi hỏi sự thay đổi căn bản để thích ứng.
Cách nào thoát “vũng lầy”?
Khảo sát cho thấy rất nhiều doanh nghiệp xây dựng trong quý I/2024 ghi nhận lợi nhuận sau thuế “mỏng như lá lúa”, như: Fecon (0,6 tỷ đồng), Phục Hưng Holdings (0,9 tỷ đồng), Alphanam E&C (1 tỷ đồng), SCI E&C (3 tỷ đồng), Cotana (3,8 tỷ đồng), Xây dựng SCG (8 tỷ đồng)…
Ngay cả những tên tuổi lớn như Ricons cũng ghi nhận kết quả kinh doanh có phần kém tích cực trong quý đầu năm. Cụ thể, trong quý I, dù cải thiện được giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 58 tỷ đồng, tăng 38%, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 3,6%, nhưng Ricons chỉ có lãi sau thuế 14,3 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.
Tương tự, trong quý I/2024, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp, UPCoM: HAN) chỉ ghi nhận khoản lãi trước thuế 4,9 tỷ đồng và lãi sau thuế vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng. Chưa kể, “game” tài chính của công ty ghi nhận giảm 29%, chỉ đạt 0,9 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm..
Cần phải nói thêm là bức tranh ngành xây dựng không phải là không có những điểm sáng. Điển hình, Coteccons (CTD) báo lãi gấp gần 5 lần trong quý I (doanh thu đạt gần 4.666 tỷ đồng tăng 49% so với cùng kỳ). Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, Coteccons lãi ròng gần 105 tỷ đồng. Sau 14 quý liên tiếp, CTD đã quay lại mốc lãi trăm tỷ đồng trong vòng 1 quý.
Tuy nhiên, nhìn chung, dù tình hình kinh doanh đã bớt u ám, “sức khỏe” của các doanh nghiệp ngành xây dựng trên thực tế vẫn chưa có nhiều đột phá. Trong bối cảnh đó, nhiều ông lớn đầu ngành đã tích cực tìm hướng đi mới nhằm “mở lối thoát hiểm”, trong đó có lấn sân bất động sản và xoay trục ra nước ngoài.
Như trường hợp của Coteccons (CTD) đang đẩy mạnh đầu tư dự án. Hiện, CTD đang đầu tư vào dự án The Emerald 68 tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong (Lê Phong Group). Đây là dự án đầu tiên Coteccons đóng vai trò nhà phát triển.
Trước CTD, Ricons cũng định hướng đầu tư vào bất động sản, với mục tiêu mở rộng nguồn thu bên cạnh ngành xây dựng cốt lõi của doanh nghiệp. Tiêu chí của công ty là đầu tư có chọn lọc, liên kết với các chủ đầu tư tại các dự án có pháp lý rõ ràng, các dự án thứ cấp có khả năng mang lại lợi nhuận cao.
Cùng với đó, Newtecons - một tên tuổi đang có những tăng trưởng thần tốc do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập cũng đang có định hướng sẽ tham gia đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Xây dựng Hòa Bình cũng không giấu tham vọng lấn sân sang làm dự án, tuy nhiên HBC đang chú trọng việc “xuất ngoại” hơn.
Tựu trung lại, trong bối cảnh “sức khỏe” nền kinh tế còn nhiều biến động, thách thức vẫn đang chờ đợi các nhà thầu, buộc các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều phải tái cơ cấu, tính tới việc mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực nằm ngoài thế mạnh như xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng công nghiệp hay thậm chí tham gia sâu rộng hơn vào các dự án đầu tư công…
Ngành xây dựng trong giai đoạn tới, khi đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy và thị trường bất động sản phục hồi, được kỳ vọng sẽ bứt tốc nhanh hơn. Tuy nhiên, để làm được, bên cạnh những nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong các vấn đề về pháp lý, vốn vay, chi phí không tên, hoãn, giãn nợ..., nhằm tạo ra những động lực mới.
Hưng Nguyên