9 giờ tối thứ Bảy tuần đầu tháng 4, một khách sạn 4 sao tại Phú Quốc (Kiên Giang), quy mô gần 130 phòng chỉ có khoảng 6 ô cửa sổ sáng đèn. Ông Phúc, quản lý khách sạn, ngao ngán cho biết: “Nếu tình hình không được cải thiện, cao điểm dịp 30/4-1/5 tới vẫn sẽ rất ảm đạm”.
Lo càng mở càng… lỗ
Theo ông Phúc, kể từ sau Tết Nguyên đán, việc lay lắt chờ khách là tình cảnh chung của đa phần khách sạn, resort, khu lưu trú từ 1-4 sao ở Phú Quốc. Phân khúc càng cao cấp thì càng khó khăn, tỷ lệ lấp đầy thường chỉ đạt 15-25%.
“Chúng tôi đã cắt phần phụ phí 10-20% dịp lễ, đồng thời tăng chiết khấu cho các đơn vị dẫn tour, nhưng đến nay, tỷ lệ đặt phòng cho kỳ nghỉ sắp tới chỉ đạt khoảng 25%. Trong khi năm trước là gần 70%, dù mới mở cửa sau dịch", ông Phúc nói.
Khảo sát tại các khách sạn có tên tuổi ở "đảo Ngọc" như Mường Thanh Phú Quốc, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa, Best Western Premier Sonasea Villas Phu Quoc, Sea Sense Resort & Spa Phu Quoc, Pullman..., tình trạng cũng không mấy khả quan, tỷ lệ đặt trước chỉ vào khoảng 25-40%.
Đơn cử, ở Mường Thanh Phú Quốc, tỷ lệ đặt phòng cho dịp lễ đến nay chỉ đạt 35% trong khi cùng thời điểm năm 2022, tỷ lệ đặt phòng trước vào khoảng 60-70%.
Bài toán lấp đầy vẫn đang là thách thức của nhiều khách sạn trong bối cảnh kinh tế khó khăn. |
Không chỉ ở Phú Quốc, tình trạng khách sạn “đói” khách cũng đang diễn ra ở nhiều điểm nóng du lịch trên cả nước.
Như tại Đà Nẵng, dọc đường biển Võ Nguyễn Giáp và nhiều tuyến khu phố Tây An Thượng, một số khách sạn nghỉ từ dịch Covid-19 đến nay. Một khách sạn 4 sao trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn) cao 13 tầng hiện tại chỉ có vài nhân viên bảo vệ trông coi. Cửa vào khách sạn đóng kín, biển hiệu lụp xụp.
Ông Trịnh Bằng Có, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.Đà Nẵng, cho hay một số khách sạn vẫn đóng cửa là do sợ càng mở cửa càng… lỗ. Nhiều khách sạn chưa trả hết nợ, nhân viên nghỉ việc, chi phí tăng nên chưa dám mở lại.
Theo thống kê, tại Đà Nẵng đang có khoảng 150 khách sạn từ 1-5 sao được rao bán. Riêng trên đường Võ Nguyên Giáp mặt tiền biển Đà Nẵng có 12 khách sạn (từ 2 -5 sao) đang rao giá từ 35 tỷ đồng đến 1.100 tỷ đồng, đường Bạch Đằng có 5 khách sạn (từ 2 -5 sao) đang rao bán từ 55 tỷ đến 165 tỷ đồng…
Bao giờ thoát cảnh đìu hiu?
Ngay cả tại hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM, các khách sạn cũng đang rất chật vật. Lượng du khách chủ lực từ Trung Quốc vẫn thưa vắng khiến không ít khách sạn phải chuyển đổi công năng, trả mặt bằng, hoặc sống lay lắt.
Điều hành một khách sạn 4 sao trên phố Lò Sũ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ trong 2 năm Covid-19 hoành hành, gần 2/3 bạn bè của anh làm trong lĩnh vực khách sạn, resort phải chuyển hướng kinh doanh.
Những người trụ lại, theo anh Tiến, đang dần ổn định nhưng vẫn còn rất khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ lấp đầy. Hiện tại, chỉ một số khách sạn nhỏ (10 - 20 phòng) có thể lấp đầy khách, còn lại công suất thuê chỉ đạt trên dưới 50%.
“Không thể phủ nhận lượng khách đang tăng trở lại, nhưng nhiều khách sạn từ 3 sao trở lên hiện vẫn có công suất phòng rất thấp, chỉ đủ bù chi phí, chưa đủ để toàn bộ nhân viên đi làm trở lại. Khách sạn của tôi hiện có tỷ lệ lấp đầy chỉ hơn 60%, nhưng đã là con số mơ ước cho người trong ngành”, anh Tiến nói.
Cũng theo anh Tiến, bài toán lớn nhất hiện tại của đa số khách sạn là dòng tiền để vận hành. Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch, nhiều chủ sở hữu “cụt vốn”. Vì vậy, giải pháp lúc này là ngân hàng cần tính toán để giãn nợ, giúp doanh nghiệp không phải vay lãi suất cao đáo hạn, giảm áp lực.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc vận hành chuỗi Silverland (Tp.HCM), cái khó chung của các chủ khách sạn hiện nay là không thể tăng giá vì sợ khách sẽ quay lưng. Hiện, mặt bằng giá đều thấp hơn 10-15% so với kỳ vọng.
Trước khó khăn của các khách sạn, ngành du lịch cũng đang nhiều giải pháp để hỗ trợ nhưng nguồn khách èo uột chưa thể giúp quá trình hồi phục đáp ứng kỳ vọng. Dự báo có thể phải mất ít nhất 2-3 năm tới để doanh nghiệp về mức trước dịch.
Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, trước mắt cần tiếp tục áp dụng giảm khung giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng với khung giá điện sản xuất trong vòng 3 năm, giảm giá nước sinh hoạt và chi phí internet cho ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú… Sau đó là có các chính sách nhằm kích cầu du lịch nội địa và đón khách quốc tế.
Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các khách sạn cũng cần liên tục làm mới mình để thuyết phục du khách "rút hầu bao". Khi miếng bánh thị phần thu hẹp lại, nếu các chủ đầu tư không có những chiến lược tốt, sự thích nghi kịp thời có thể bị đào thải.
Hưng Nguyên