Mới đây, trong một bài viết của Vnbusiness, anh Hoàng Nam Hải, một nhà đầu tư có quan hệ rộng, từng kết nối nhiều thương vụ từ Việt Nam sang Mỹ, Trung Quốc, Singapore… cho hay, tâm lý “phòng thủ” của khách hàng đang khiến thị trường bất động sản nhiều nước lâm vào thế khó.
Lối thoát cho hàng tồn
Điển hình như ở Trung Quốc, đã gần 2 năm kể từ khi “bong bóng” vỡ khiến thị trường bất động sản tê liệt, tâm lý “phòng thủ” của người mua nhà vẫn lan rộng. Hệ thống ngân hàng trung ương liên tục bơm tiền hỗ trợ, trong đó có ưu đãi lãi suất cho người vay mua căn hộ đầu tiên.
“Lãi suất cho vay mua nhà ở Trung Quốc hiện vào khoảng 4,2-4,5%/năm. Người mua căn hộ đầu tiên còn được hỗ trợ nhiều hơn khi các khoản vay được nới lỏng giúp những người mới nhập khẩu vào thành phố tăng khả năng tiếp cận ”, anh Hải chia sẻ.
Để làm được điều này, giới chức tài chính thúc đẩy hỗ trợ địa phương đưa ra một “mức sàn” hợp lý về số tiền trả trước và lãi vay thế chấp của người mua nhà. Các khoản vay thế chấp cũng được ngân hàng xem xét gia hạn nếu hợp đồng bị thay đổi, hủy bỏ hoặc người mua đang thất nghiệp vì Covid-19.
Ở thị trường bất động sản Việt Nam, dù được dự báo khó xảy ra chu kỳ khủng hoảng hay nguy cơ vỡ “bong bóng”, tuy nhiên, những giải pháp từ quốc gia tỷ dân rõ ràng là một gợi ý đáng để tham khảo nhằm gỡ khó cho thị trường địa ốc đang đối diện nhiều khó khăn.
Tăng hỗ trợ cho người vay mua căn nhà đầu tiên là giải pháp hiệu quả để "giải cứu" thị trường bất động sản. |
Đáng chú ý, vào trung tuần tháng 12 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung nội dung giải quyết một số khó khăn cấp bách của thị trường bất động sản tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Trong đó, HoREA đề xuất Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi để các ngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà dưới 1,8 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu ở thực, được vay với lãi suất hợp lý.
Theo HoREA, trong những năm qua, hầu hết người mua nhà, đặc biệt là mua nhà ở xã hội, phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm. Kể từ cuối quý II/2022 đến nay, không chỉ lãi suất “nhảy múa”, việc tiếp cận nguồn vốn của người mua nhà cũng gặp nhiều trở ngại.
Lối thoát cho thị trường?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khẳng định thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền. Nguồn cung mất cân bằng, thiếu nhà ở vừa túi tiền, thừa nhà ở cao cấp. Giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân.
Trong bối cảnh đó, việc người dân được hỗ trợ vay mua căn nhà đầu tiên sẽ là “lối thoát hiểm” giúp doanh nghiệp xử lý núi hàng tồn kho hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời ngăn thị trường đóng băng.
Cần nhấn mạnh, trong bối cảnh dòng tín dụng bị nghẽn, trái phiếu bị siết chặt, việc huy động vốn từ khách hàng chính là một trong những kênh quan trọng nhất để doanh nghiệp xoay xở dòng tiền, duy trì hoạt động. Vì vậy, hỗ trợ người mua nhà cũng chính là “cứu” các doanh nghiệp.
Thực tế, để ứng phó với những khó khăn của thị trường, thời gian qua có không ít doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản phẩm, hướng đến những đối tượng mua nhà ở thực.
Điển hình như "ông lớn" đầu ngành địa ốc Vinhomes công bố kế hoạch làm 500.000 căn nhà giá rẻ từng làm dậy sóng dư luận vào cuối quý II/2022. Hòa Bình Group cũng đang có quỹ đất gần 9.000m2 tại Hà Nội, dự kiến xây khoảng 1.700 căn hộ giá bình quân 12-18 triệu đồng/m2…
Không chỉ những nhà đầu tư “lắm tiền, nhiều của”, nhiều doanh nghiệp địa ốc tầm trung cũng đang dành sự quan tâm đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực, với mức giá vừa tầm tay hơn.
Trao đổi với Vnbusiness, giám đốc một công ty địa ốc ở Hà Nội cho hay, kể từ năm 2021, 90% dự án của công ty xoáy vào các sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực, phục vụ cho đa số.
“Với sản phẩm nhà ở, tâm điểm sẽ là những căn hộ có chất lượng “chấp nhận được” và trong tầm chi trả của khách hàng, trong đó có những người trẻ tuổi, tích luỹ tài chính chỉ vài trăm triệu đồng được hỗ trợ vay trả góp với lãi suất hợp lý”, vị giám đốc chia sẻ.
Có thể thấy, các doanh nghiệp đang rất tích cực trong việc cân bằng lại cán cân nhà ở giữa bình dân và cao cấp. Song, có một thực tế là ngay cả khi doanh nghiệp nắn dòng tiền về phân khúc ở thực, với số tiền 1,2-2 tỷ đồng/căn, nhà giá rẻ thực ra vẫn không hề rẻ với đa số người dân.
Theo đó, đây chính là lúc vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ được thể hiện với các chính sách ưu đãi, đồng hành cùng doanh nghiệp để giải “cơn khát” nhà ở cho người dân. Một trong số đó là cơ chế nới lỏng các khoản vay và hỗ trợ người dân mua căn nhà đầu tiên.
Hưng Nguyên