Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam và các đơn vị nghiên cứu thị trường BĐS, kết thúc quý I/2020, chưa ghi nhận tình trạng vỡ bong bóng, bán tháo hay giảm giá. Hầu hết giao dịch chững lại vì chủ đầu tư không thể mở chào bán vì lý do hạn chế tụ tập đông người. Tình trạng này có thể tiếp tục diễn ra trong quý II nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Chuẩn bị cho hậu Covid-19
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do dịch Covid-19, thị trường BĐS cũng phải “gồng” mình chống đỡ. Để bán được hàng, một số chủ đầu tư đã áp dụng nhiều hình thức như đặt chỗ trực tuyến, trao đổi qua email và ứng dụng liên lạc hiện đại để phát triển kênh bán hàng. Chẳng hạn như CTCP Vinhomes đã chính thức ra mắt Sàn thương mại điện tử https://online.vinhomes.vn.
CenGroup cũng thực hiện việc mở bán để giới thiệu dự án qua hình thức livestream và áp dụng nền tảng công nghệ Cenhomes. Thông qua công nghệ này, khách hàng không cần phải đến trực tiếp dự án mà vẫn có thể cập nhật được tiến độ dự án và tìm hiểu tất cả thông tin liên quan đến dự án.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đang tận dụng thời gian hoàn thiện sản phẩm của mình, khi dịch bệnh kiểm soát sẽ ra mắt thị trường. Trên các kênh Facebook, Zalo… có những quảng cáo của dự án sắp mở bán trong quý tới cho thấy chủ đầu tư chủ động ứng phó với dịch bệnh qua nhiều hình thức khác nhau.
Do nhu cầu nhà ở vẫn cao nên hậu Covid-19, thị trường nhà ở sẽ sôi động trở lại (Ảnh: TL) |
Để tìm lối thoát cho các doanh nghiệp ngành xây dựng và kinh doanh BĐS, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng mới để duy trì hoạt động và gia tăng thêm tích lũy.
Đây chính là lúc Nhà nước nên thúc đẩy mạnh mẽ hơn khu vực đầu tư công - vốn luôn là điểm nghẽn do chậm hoặc khó giải ngân nguồn lực ngân sách, đồng thời cũng là nơi có khả năng tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nhất là ở thời điểm này.
“Vẫn còn thiếu nhiều công trình xây dựng đường sá, cầu cống, đê điều thủy lợi dân sinh hay trường học, bệnh viện… Khi có dự án, sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia, kéo theo nhiều nhà thầu và người lao động bị thất nghiệp sẽ lại có việc làm. Người dân sẽ được hưởng lợi lớn khi các doanh nghiệp được làm ăn ổn định trở lại như cũ”, ông Nam nói.
Nhà ở và du lịch sớm hồi phục
Nhận định về diễn biến thị trường BĐS hậu Covid-19, giới chuyên gia cho rằng, khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đồng loạt đẩy sản phẩm, điều này sẽ khiến thị trường sôi động trở lại.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội dự báo, tình hình thị trường Hà Nội trong quý II sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ dịch bệnh được kiểm soát nhanh đến đâu. Cho đến thời điểm đó, khả năng đứng vững của thị trường sẽ được kiểm chứng khi các chủ đầu tư và khách hàng đều đang ở trạng thái chờ đợi. Nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn vào quý II, Hà Nội dự kiến sẽ có khoảng 27.000 - 28.000 căn hộ chào bán mới trong năm 2020.
Còn JLL đánh giá, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, phân khúc chung cư tại Tp. HCM sẽ có khoảng 20.000-30.000 căn dự kiến sẽ được mở bán trong năm 2020; nhà liền thổ tại Tp. HCM cũng sẽ có khoảng 1.200-2.000 căn dự kiến sẽ được mở bán.
Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, về bản chất nguồn cung trên thị trường vẫn rất khan hiếm, nguồn cầu vẫn cao. Một khi dịch bệnh đi qua, cung cầu gặp nhau, thị trường sẽ phục hồi nhanh, đặc biệt ở những phân khúc sử dụng ngay như căn hộ chung cư.
Khi làn sóng khu công nghiệp chuyển sang Việt Nam, BĐS du lịch và văn phòng cũng được hưởng lợi (Ảnh: Internet) |
Bà Dung cho biết trên thực tế, ngay cả thời điểm hiện tại, nhiều chủ đầu tư đã có những chính sách bán hàng rất tốt, cạnh tranh trên thị trường, đây là những cơ hội cho nhà đầu tư mua nhà trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến cuối quý III, thị trường sẽ ghi nhận mức giá giảm khoảng 6% trên thị trường sơ cấp.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT phân tích, hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh và chính sách giãn cách xã hội nên nhiều người có nhu cầu mua nhà không thể đi ra ngoài để giao dịch. Ngoài ra, nhiều dự án có dự định mở bán trong quý I/2020 nhưng do dịch bệnh phải hoãn lại. Vì vậy, khi hết dịch, các dự án này sẽ bung ra thị trường và chắc chắn lượng giao dịch sẽ tăng lên nhanh chóng.
Cũng theo ông Võ, hiện nay, các doanh nghiệp BĐS đang được hỗ trợ bởi nhiều chính sách của Chính phủ, nên cũng sẽ bớt một phần khó khăn khi phải gồng mình chống dịch. Như Chính phủ giãn tiền thuế, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, hay đẩy mạnh đầu tư công, bơm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng ra nền kinh tế… sẽ có tác động tích cực lên thị trường BĐS. Chỉ thị số 11/CT-TTg hỗ trợ các doanh nghiệp đang chịu thiệt hại do dịch Covid-19 cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp BĐS trong thời gian tới.
Trước đó, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group, trong chia sẻ về “Tương lai của thị trường BĐS Việt Nam sau Covid-19”, cho rằng mặc dù Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng sẽ "sửa chữa" các đứt gãy này và hướng làn sóng chuyển dịch nhà máy sản xuất sang Việt Nam. BĐS công nghiệp, văn phòng của Việt Nam sẽ phát triển kéo theo nhu cầu BĐS nhà ở và du lịch sớm hồi phục.
Như vậy, có thể khẳng định, nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch tốt như hiện nay và vượt qua dịch bệnh sẽ là điểm sáng an toàn về dịch tễ lẫn kinh tế, chính trị thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng như người nước ngoài đến sinh sống và làm việc.
Minh Trang