Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030” chính thức được HĐND TP Hà Nội thông qua từ tháng 3/2023, hướng tới mục tiêu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm...
Nâng cao hiệu quả nhà, đất công
Sau khi thống kê, đánh giá toàn diện hiện trạng thực tế, tài sản công theo Đề án được xác định thành 4 nhóm gồm: nhà, đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng và tài sản khác. Trong đó, trọng tâm là phân tích, đánh giá đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố và đất đai.
Trong Kế hoạch triển khai vừa được ban hành, TP. Hà Nội đặt mục tiêu 100% tài sản công có phần mềm cơ sở dữ liệu tập trung, được cập nhật đầy đủ và chính xác theo quy định, trong giai đoạn 2023-2025. 100% tài sản chuyên dùng của thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiêu chuẩn, định mức.
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố, đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 90% đối với các cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt mới.
Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả tài sản, nhà đất công. |
Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu phương án khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường Vành đai 4 Thủ đô để tạo vốn phát triển hạ tầng giao thông. Tiếp nhận để quản lý và từng bước sử dụng, khai thác hiệu quả đối với 05 nhóm quỹ đất dự kiến khai thác giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.
Về định hướng 2026-2030, thành phố đặt mục tiêu 100% tài sản công được thống kê, theo dõi và cập nhật đầy đủ, tập trung vào phần mềm cơ sở dữ liệu tài sản công theo từng chuyên ngành. 100% cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước của thành phố quản lý, sử dụng được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
100% quỹ đất thuộc 5 nhóm dự kiến khai thác giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 được tiếp nhận, quản lý và có phương án sử dụng và khai thác hiệu quả.
Về giải pháp chung, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là nhà, đất đai, Đề án đưa ra 5 nội dung chính, gồm: Thứ nhất là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về tài sản công theo hướng rõ ràng, thống nhất, đồng bộ; Thứ hai là thống kê, hệ thống hóa đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu về tài sản công với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Thứ ba là kiện toàn, đổi mới mô hình, bộ máy cơ quan quản lý tài sản công và đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý tài sản công; Thứ tư là nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công; Và thứ năm là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
“Mạnh tay” với vướng mắc, vi phạm
Đặc biệt, trong Kế hoạch thực hiện Đề án vừa ban hành, UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh việc chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định. 100% tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án.
Xử lý, khắc phục dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố giao cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác trên cơ sở quy định của Trung ương và Thành phố.
Thực tế, không chỉ khi Đề án được triển khai, mà nhiều năm qua, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm liên quan tài sản công, đặc biệt là sử dụng nhà, đất công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn.
Điển hình, Sở Xây dựng đã chủ trì cùng Liên ngành: Sở Tài chính, Cục Thuế, UBND các quận có nhà chuyên dùng kiểm tra công tác quản lý, thống nhất phương án xử lý thu hồi đối với 7 địa điểm nhà chuyên dùng có vướng mắc, vi phạm nổi cộm tại các quận: Hoàn Kiếm (5 địa điểm), Đống Đa (1 địa điểm), Ba Đình (1 địa điểm).
Sở Xây dựng cũng đã tham mưu UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định thu hồi tại 2 địa điểm tại 41 Hàng Bồ và 121 Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm; ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi tại 6 địa điểm tại 36 Bà Triệu, 58-60 Hàng Buồm, 41 Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm, tại 45 Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, tại tầng 1 nhà A và tầng 1 nhà G khu 7,2ha Vĩnh Phúc, quận Ba Đình...
Đối với công tác đề xuất các chế tài, biện pháp xử lý cứng rắn để giải quyết các trường hợp chây ỳ nợ tiền thuê nhà, sử dụng sai mục đích, vi phạm trong quá trình sử dụng quỹ nhà của Nhà nước, tại Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 12/11/2012 của UBND Thành phố đã có những chế tài, biện pháp xử lý để giải quyết các trường hợp chây ỳ nợ tiền thuê nhà, sử dụng sai mục đích, vi phạm trong quá trình sử dụng quỹ nhà của Nhà nước.
Sau thời gian dài thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, việc tiếp tục hoàn thiện và triển khai Đề án "Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030" trong năm 2023 cho thấy Hà Nội đang rất quyết tâm tạo bước đột phá, bài bàn cho các nhóm tài sản công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Lệ Chi