Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố cho thấy tính đến cuối quý I/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với quý cuối năm 2023. Điều này phần nào cho thấy người dân đã bắt đầu luân chuyển dòng tiền theo nhiều hướng thay vì chỉ tập chung vào các ngân hàng.
“Tay to” rục rịch nắn dòng tiền
PGS.TS. Trần Việt Dũng, chuyên gia từ Học viện Ngân hàng, nhận định trên truyền thông rằng, việc huy động vốn giảm trong quý đầu năm 2024 đến từ nhiều nguyên nhân, song có 3 lý do chính là bởi lãi suất huy động thấp nhất lịch sử, chứng khoán khởi sắc và đặc biệt là thị trường nhà đất bắt đầu ấm lên.
Thực tế cũng cho thấy rất nhiều nhà đầu tư giàu tiềm lực sau thời gian dài chọn gửi tiền vào ngân hàng như một giải pháp an toàn trong thời kỳ kinh tế khó khăn, đã và đang rục rịch “nắn” dòng vốn sang thị trường bất động sản.
Không ít nhà đầu tư đang chuyển hướng dòng tiền từ nhà băng sang nhà đất. |
Như trường hợp của anh Trần Đình Bắc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay vào đầu tháng 2/2023, sổ tiết kiệm 5,5 tỷ đồng của anh đến kỳ đáo hạn, lãi suất còn chưa đầy 6%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, nên anh bắt đầu thay đổi chiến lược để tìm cơ hội từ thị trường địa ốc.
Cụ thể, sau khi đáo hạn, anh Bắc chọn tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng, tuy nhiên, thay vì dài hạn, anh chia khoản tiền làm 3 phần, lần lượt là 1 tỷ đồng, 1,5 tỷ đồng và 3 tỷ đồng, rồi gửi tiết kiệm theo kỳ hạn 3 tháng. Mục đích là để dễ dàng rút ra khi tìm được sản phẩm nhà đất giá tốt.
“Gần 2 tháng nay tôi đi khắp các tỉnh vùng ven Hà Nội để săn hàng giá tốt. Ưu tiên của tôi là các sản phẩm có vị trí đẹp, tầm giá 1,3 - 2,5 tỷ đồng, chưa bị thổi quá cao. Mới đây, tôi xuống tiền mua một lô đất ở Yên Phong (Bắc Ninh), gần khu công nghiệp, giá 2,1 tỷ đồng. Mảnh đất này có giá mua vào 2,6 tỷ đồng vào năm 2021”, anh Bắc tiết lộ với VnBusiness.
Đáng chú ý, không chỉ những tay to sẵn dòng tiền, nhiều nhà đầu tư cũng đang sẵn sàng sử dụng đòn bẩy tài chính nếu lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức trên dưới 6%/năm và thời gian ưu đãi kéo dài hơn.
Như trường hợp của anh Nguyễn Tuấn Dũng (Hà Nội), một nhà đầu tư gốc Hải Phòng có gần 15 năm kinh nghiệm, tiết lộ anh đang tìm hiểu gói vay 1 tỷ đồng dành cho hộ kinh doanh của một ngân hàng thương mại, lãi suất cố định 9% trong 2 năm đầu, có thể tất toán ngay mà không bị phạt hay chịu phí.
Có đủ sức kéo thị trường lên?
Nếu thuận lợi, anh Dũng dự kiến sẽ góp thêm vốn tự có để anh "xuống tiền" mua một lô đất nền tại Duy Tiên (Hà Nam), diện tích xấp xỉ 0,7 ha (có 120m2 đất thổ cư), trị giá 1,1 tỷ đồng. Mảnh đất này có giá mua vào 1,6 tỷ đồng, trước đó được rao bán 2 tỷ đồng, nhưng do chủ đất bị “ngộp” nên bán.
“Đây rõ ràng là một cuộc chơi mạo hiểm, nhưng theo tính toán của tôi, thị trường đất nền đang vực dậy từ đáy, trong 1 - 2 năm tới chắc chắn giá sẽ lên, thanh khoản cũng sẽ tốt hơn. Trong 2 năm, tôi sẽ chịu khoản lãi ngân hàng khoảng 180 triệu đồng (đã tính gói bảo hiểm), vậy lô đất chỉ cần về lại mức giá gốc 1,5 tỷ đồng là tôi đã có lãi 200 triệu đồng”, anh Dũng phân tích.
Chia sẻ với VnBusiness, anh Vũ Đình Lộc, chủ một văn phòng môi giới ở khu Đông Hà Nội, nhìn nhận trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, rất nhiều “tay to” vẫn chấp nhận gửi ngân hàng kỳ hạn 3-6 tháng để chờ thị trường chạm đáy, sẵn sàng xuống tiền khi có sản phẩm giá tốt.
“Nhu cầu tìm kiếm chung cư đang tăng mạnh trở lại. Đến tháng 3/2024 đã gần quay về đỉnh của tháng 8/2023. Ngoài chung cư, nhiều loại hình khác cũng chứng kiến lực cầu tăng trong đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhà liền thổ như nhà riêng, nhà phố, biệt thự tăng từ 15-30%, đất nền chậm hơn nhưng cũng dao động ở mức 7 - 15%, tùy từng khu vực. Thực tế cũng cho thấy nhà đầu tư không thiếu tiền, giá hợp lý là hợp đồng được chốt rất nhanh”, anh Lộc chia sẻ.
Rõ ràng, thị trường bất động sản đang có xu hướng "ấm" dần lên và không loại trừ khả năng đang hút một lượng tiền đáng kể của nền kinh tế, trong đó có dòng tiền tiết kiệm. Không ít người còn kỳ vọng lượng tiền rút ra từ nhà băng có thể góp phần đẩy nhanh đà hồi phục, thậm chí tạo cơn sốt cho thị trường địa ốc.
Cần nhắc lại, thời kỳ “tiền rẻ” kéo dài từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022 chính là thời gian thị trường bất động sản nổi sóng, giá nhà đất nhảy múa. Vì vậy, khi những tín hiệu cho thấy lãi suất hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng “bổn cũ soạn lại”, dòng tiền chảy vào địa ốc sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, kỳ vọng trên là không thể, bởi thời kỳ “tiền rẻ” cho bất động sản đã qua, và bài toán vốn sẽ tiếp tục là “bài toán khó” với doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngắn và trung hạn.
Với các nhà đầu tư cá nhân, nếu có dòng tiền mạnh, tầm nhìn dài hạn, nhà đất vẫn là kênh trú ẩn an toàn, có tiềm năng sinh lời cao. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư có ý định dùng đòn bẩy tài chính, muốn tận dụng dòng tiền lãi suất thấp, chuyên gia khuyến cáo cần cẩn trọng.
“Dòng tiền sẽ khó giữ ở vùng giá rẻ lâu như vào giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2022. Hiện tại, lãi suất có thể hạ nhiệt, nhưng điểm chung là thời gian áp dụng ngắn (chỉ từ 3 - 9 tháng), sau đó thả nổi, vì vậy nhà đầu tư vay tiền rất dễ sa vào bẫy tài chính nếu thị trường không lên như kỳ vọng”, một chuyên gia khuyến cáo.
Hưng Nguyên