Hiện nay, xung đột pháp luật khiến thị trường bất động sản (BĐS) cả nước nói chung và Tp.HCM nói riêng gặp khó khăn. Các luật có liên quan lúc này bao gồm Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014, Luật Đấu thầu 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ môi trường 2014, Bộ luật Dân sự 2015.
Khó khăn bủa vây
Nhiều bộ, ngành và nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt, lắng nghe, giải quyết được một số khó khăn của doanh nghiệp (DN) BĐS. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế khiến các DN BĐS chịu nhiều rủi ro, đặc biệt là các rủi ro pháp lý khó tháo gỡ để kinh doanh.
Hiện tại, nhiều dự án đầu tư đã được phê duyệt nhưng phải dừng lại để rà soát cho phù hợp với pháp luật. Riêng Tp.HCM đã quyết định cho dừng lại 150 dự án để rà soát và điều chỉnh, đến nay vẫn còn 30 dự án đang phải tiếp tục rà soát.
Con số dự án đầu tư mới đủ điều kiện để phê duyệt cũng giảm khá mạnh, từ đầu năm mới chỉ có vài dự án được phê duyệt thay vì con số vài trăm dự án của những năm trước.
Theo Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), theo rà soát của cơ quan này có đến 20 xung đột chính sách từ các luật liên quan đến nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực BĐS đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi dẫn đến trong quá trình triển khai có nhiều dự án bị thanh tra, kiểm toán kéo dài.
Ông Lộc cho rằng 20 điểm chồng chéo, theo luật này thì đúng nhưng theo luật khác thì sai, địa phương không biết làm sao… không chỉ gây khó cho DN mà còn tạo mảnh đất cho tham nhũng.
Gs. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cũng đánh giá, trạng thái bất cập pháp luật xuất hiện dưới dạng các khoảng trống pháp luật, xung đột pháp luật giữa hai hay nhiều luật, hoặc xung đột pháp luật giữa luật này với văn bản hướng dẫn thực thi luật khác. Tình trạng đó dẫn đến hậu quả là hoạt động đầu tư bị ách tắc, chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ bị đứt đoạn, nguồn cung BĐS bị suy giảm sẽ gây sốt giá BĐS do thiếu cung trong những năm tới.
Về nguyên nhân gây khoảng trống pháp lý cho BĐS, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, phân tích: Một trong những lý do đó là các bộ liên quan đều quan trọng như nhau, không bộ nào chịu bộ nào… Chính vì vậy, mong muốn có thể tạo ra được một sự thống nhất giữa các luật trong nhiều năm nay vẫn chưa thể thành hiện thực, các cơ quan liên quan vẫn loay hoay trong nhiều năm liền mà chưa thể thống nhất.
Nhiều dự án bất động sản đang gặp vướng về luật |
Sửa luật đồng bộ
Bàn biện pháp giải quyết những khó khăn này, Gs. Đặng Hùng Võ kiến nghị khi ban hành văn bản, văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền cao hơn ban hành có hiệu lực thực hiện cao hơn. Bên cạnh đó, trong các văn bản quy phạm pháp luật do cùng cấp có thẩm quyền ban hành thì văn bản ban hành sau có hiệu lực thực hiện cao hơn. Văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có hiệu lực thực hiện cao hơn đối với các nội dung của chuyên ngành đó.
Đối với các khoảng trống pháp luật, ông Võ đề xuất Chính phủ cần tổ chức rà soát để xác định các nội dung cần bổ sung nhằm lấp đầy khoảng trống. Từ đó, xây dựng gấp một Nghị định quy định bổ sung và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành.
Để có thể gỡ rối trong vấn đề chồng chéo, xung đột giữa các luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN kinh doanh BĐS, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất các cơ quan liên quan cần rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề.
Theo đó, một cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tập hợp những văn bản đã có theo một trình tự nhất định, loại bỏ những quy phạm lỗi thời, mâu thuẫn. Cùng với đó là chế định thêm những quy phạm mới nhằm thay thế cho những quy định bị loại bỏ và khắc phục những chỗ trống.
Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), chia sẻ: lần sửa đổi bổ sung Luật Đất đai này, một trong những mục tiêu đầu tiên là Bộ TN&MT sẽ cố gắng giải quyết những nội dung chưa đồng bộ thống nhất giữa Luật Đất đai với các bộ luật khác liên quan. Bên cạnh đó, Bộ sẽ giải quyết các nội dung mà các đơn vị đã nói là những khoảng trống mà pháp luật chưa có điều chỉnh, hoặc những quy định có bất cập, vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn.
Hiện, Quốc hội đã đưa dự án Luật Đất đai sửa đổi vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và Quốc hội sẽ cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 khoá XIV dự kiến khai mạc vào 21/10 tới.
Để tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo về luật, ông Nguyễn Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Xây dựng, cho biết trong thẩm quyền của Bộ Xây dựng, Bộ đang tiến hành sửa đổi Luật Xây dựng – một trong 9 luật liên quan đến các hoạt động đầu tư xây dựng.
Luật Xây dựng sẽ được cải cách theo 3 nhóm chính sách: cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đơn giản hóa, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh; phản biện các hệ thống pháp luật, đồng bộ với các luật khác.
Minh Sơn