Đang đối mặt nguy cơ “chết trên đống tài sản”, anh Ngô Đình Tùng (Hà Nội) hơn 1 năm qua liên tục mất ăn, mất ngủ vì hàng chục tỷ đồng mắc kẹt trong các lô đất tại Thủ Đức, Đồng Nai và Long An. Sau thời gian dài khủng hoảng, anh kỳ vọng thị trường sẽ sớm sôi động trở lại để thoát hàng.
Dừng cắt lỗ, cố cầm cự
Có gần 5 năm chuyên buôn đất nền ven biển miền Trung, anh Tùng nhẩm tính tiền lãi thu về đến nay cũng trên dưới 10 tỷ đồng. Từng có lô đất ở Đồng Nai, lúc bán ra tăng gấp 5 lần khi mua vào, giúp anh thu về khoản lãi gần 2 tỷ đồng sau chưa đầy 1 năm xuống tiền. Nhưng nay, mọi thứ đã khác.
Hiện anh Tùng cùng nhóm của mình đang sở hữu gần 10 lô đất nền dọc từ Thủ Đức đến Đồng Nai và Long An. Đầu năm 2022, dù thị trường hạ nhiệt, khi có khách hỏi mua anh vẫn chưa muốn bán vì không hài lòng về giá. Tuy nhiên, sau đó thị trường lao dốc quá nhanh khiến mọi toan tính đổ bể.
Chuyên gia khuyên nhà đầu tư nhà đất cần tính toán kỹ, tránh càng gồng càng lỗ sâu. |
“Chúng tôi đang nợ khoảng 3 tỷ đồng, chỉ cần chấp nhận bán lỗ 2-3 lô là có thể trả. Nhưng vấn đề là bán không được, khách hỏi mua hoặc là để thăm dò, hoặc là trả giá quá thấp. Thời gian qua, thị trường vùng ven đang có hiệu ứng tốt, tôi định sẽ gồng thêm một thời gian, hy vọng sau Tết này có thể bán được”, nhà đầu tư gốc Hà Nội cho hay.
Tâm lý dừng cắt lỗ, cố gồng lãi để chờ giá tăng cũng đang ngày càng phổ biến trong giới đầu tư nhà đất thời gian gần đây. Kết quả thăm dò thực tế tại TP.HCM cho thấy làn sóng cắt lỗ cũng đã không còn ồ ạt, chỉ còn một số ít các nhà đầu tư đang dùng đòn bẩy tài chính quá lớn vẫn đang cố tìm kiếm khách.
Nhiều tháng qua, ông Lâm rao bán lô đất rộng hơn 100m2 tại TP.Thủ Đức với giá 5,3 tỷ đồng, gần như đã bằng giá mua vào, nhưng khách hỏi chỉ trả giá chỉ trên dưới 5 tỷ đồng. Nhiều thời điểm, ông đã định “cắn răng” bán ra, nhưng thời gian gần đây hy vọng lại nhen nhóm trở lại.
"Tôi đang tìm hiểu gói vay ưu đãi với lãi suất 7%/năm trong vòng 5 năm, mục đích vay là sản xuất kinh doanh, để chờ thêm khoảng 1 - 2 năm . Khó thì cũng khó rồi, tôi sẽ cố gắng nuôi miếng đất chờ thị trường hồi phục sẽ bán, chứ bán giờ thì đúng là mất cả chì lẫn chài", ông Lâm thổ lộ.
Cố gồng hay thoát hàng sớm?
Có thể thấy, những tín hiệu tích cực từ hiệu ứng Luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua, cùng những chính sách gỡ vướng dần ngấm vào thực tế đang tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư “ôm” nhiều đất. Không ít người kỳ vọng thị trường sẽ sớm bùng nổ trở lại giúp họ “chuyển bại thành thắng”.
Chia sẻ với VnBusiness, anh Lê Quốc Cường, trưởng văn phòng môi giới ở Đà Nẵng, tiết lộ làn sóng dừng cắt lỗ đã bắt đầu nhen nhóm từ đầu quý IV/2023, thời gian gần đây thì càng phổ biến hơn.
“Trong 3 quý đầu năm 2023, chúng tôi nhận ký gửi bán gần 600 hồ sơ đất nền ở TP.HCM và khu vực lân cận. Có những nhà đầu tư vì quá mệt mỏi nên chấp nhận bán gấp với mức lỗ 250 - 500 triệu đồng/lô. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 10, các giao dịch nhờ bán giảm dần, hiện chỉ bằng 30% so với 1 năm trước. Nhiều chủ đất còn “lật kèo” không bán nữa dù đã nhận tiền cọc”, anh Cường thông tin.
Với những diễn biến từ thực tế, việc các nhà đầu tư tính toán lại rõ ràng là có cơ sở. Tuy nhiên, theo chuyên gia, có thể cần thêm ít nhất 2 - 4 quý nữa, tức vào cuối năm 2024 nếu các chính sách gỡ vướng của Chính phủ ngấm đủ nhanh, thị trường mới có thể dần sôi động trở lại.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc thị trường DKRA Group, đánh giá năm 2024, diễn biến của thị trường bất động sản sẽ theo hướng tích cực hơn. Dù vậy, theo ông Thắng, chưa thể kỳ vọng bất động sản sẽ khởi sắc ngay.
Nửa đầu năm 2024, thị trường sẽ bớt khó khăn hơn hiện tại nhưng để "đảo chiều" thành công, gần nhất cũng phải nửa cuối năm 2024. Các sản phẩm đầu tư, đầu cơ sẽ mất thêm từ 2-3 quý nữa để vực dậy thanh khoản.
Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, nhận định thị trường đang ngập tràn thông tin “cắt lỗ”, “xả hàng”… nhưng thực tế chỉ là giảm một phần lợi nhuận.
“Nếu không thể đi đường dài, trước sau gì cũng phải giảm, vậy nên thay vì rót thêm tiền để gồng lỗ, các nhà đầu tư bị ngộp nên cân nhắc mạnh tay giảm sâu hơn để thoát được hàng, thu hồi dòng tiền tái đầu tư. Việc gồng quá sức chỉ khiến thiệt hại càng lớn hơn”, ông Quang khuyến cáo.
Hưng Nguyên