Quy hoạch khu đô thị ven sông Hồng là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm từ rất lâu. Hầu như lần nào lập hay điều chỉnh quy hoạch chung của Hà Nội cũng đều bàn tới trục hành lang của sông Hồng, nhưng làm sao để hiện thực thì vẫn luôn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Trăn trở của nhiều nhà quy hoạch
Theo ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy hoạch đô thị sông Hồng là trăn trở, là ấp ủ của nhiều nhà quy hoạch Thủ đô Hà Nội từ khá lâu.
Cách đây gần 20 năm, lần lập quy hoạch năm 2005 với sự tham gia của các chuyên gia Hàn Quốc, Hà Nội đã có nghiên cứu tổng thể quy hoạch sông Hồng, nhưng lúc này Hà Nội chưa mở rộng. Đến năm 2008 khi mở rộng Hà Nội, Nhà nước mong muốn lồng ghép quy hoạch ven sông Hồng vào quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội. Tới tháng 7/2011, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội sau khi đã mở rộng, trong đó có lồng ghép nghiên cứu quy hoạch ven sông Hồng.
Chuyên gia cho rằng nếu chậm trễ phê duyệt quy hoạch đô thị sông Hồng thì quỹ đất khó có còn để thực hiện "giấc mơ thành phố bên sông" (Ảnh: TL) |
“Nói đây là một "giấc mơ" bởi đã nhiều lần chúng ta bàn tới quy hoạch sông Hồng. Hầu như lần nào chúng ta lập hay điều chỉnh quy hoạch chung của Hà Nội cũng đều bàn tới trục hành lang của sông Hồng này, nhưng làm sao để hiện thực thì vẫn luôn là câu hỏi chưa có lời giải đáp”, ông Chiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sau rất nhiều lần, quy hoạch vẫn bị vướng, chồng chéo với định hướng của Quyết định 1259/QĐ-TTG về quy hoạch chung Thủ đô đã phê duyệt. Theo đó, người dân khu vực sông Hồng và các nhà đầu tư rất mong mỏi, chờ đợi xem có được đầu tư vào khu vực này hay không.
Cũng theo ông Chiến, trước đây, các nhà nghiên cứu đề xuất khai thác hai bên sông. Hiện nay, đất đai đã mở rộng, “không gian thoát lũ” linh hoạt và đặt được vấn đề xây dựng hai con đường dọc sông, hình thức như đê bối và sẽ bị đê chính chặn lại, đảm bảo được an toàn cho Thủ đô và là “mềm dẻo” với quy hoạch dự án lần này.
"Quy hoạch lần này cũng giải quyết được vấn đề tái định cư, di dân cho dân cư ngoài bãi sông Hồng. “Như vậy, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu về khai thác sử dụng đất, cũng như tổ chức thành phố hai bên sông, hiện thực giấc mơ”, ông Chiến nhấn mạnh.
Còn theo ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng hiện tại xác định quỹ đất lên tới 11.000 ha, có thể nói là khối lượng rất lớn và sẽ là giải pháp giải quyết rất tốt về quỹ đất xây dựng nhà ở, giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, hiện tại quy hoạch sông Hồng đã bị vướng mắc quá lâu về vấn đề trị thủy, dòng chảy của sông, đã đến lúc giải quyết vướng mắc này để đẩy nhanh sự phát triển của đô thị ven sông Hồng.
Trong khi đó, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, làm thế nào để có thể khai thác được quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, tạo ra không gian xanh, vành đai xanh cho Thủ đô là vấn đề mà chúng ta cần tính tới bây giờ.
Không thể chậm trễ
Theo ông Tùng, đã đến lúc chúng ta đổi mới quyết liệt, không thể "quay lưng" vào dòng sông nữa. Hiện nay, bằng công nghệ mới, quy hoạch mới, chính sách mới sẽ giải quyết được vấn đề sử dụng quỹ đất, phát triển nhà ở.
Ông Đỗ Viết Chiến khẳng định, quy hoạch đã đạt được mục tiêu về khai thác sử dụng đất, cũng như tổ chức thành phố hai bên sông. Đồng thời, phải sớm phê duyệt quy hoạch phân khu bởi còn rất nhiều bước phải triển khai sau đó thì mới hiện thực được.
“Hà Nội đã có rất nhiều dự án được đưa ra bàn bạc xem xét nhiều lần, thậm chí đưa vào thí điểm nhưng chưa hiện thực được. Trong khi đó, với Quy hoạch ven sông Hồng, số lượng dân ngoài bãi sông Hồng vẫn đang tăng lên khi chúng ta chờ sửa đổi quy hoạch, nguồn lực sẽ thu hẹp mỗi lần như vậy”, ông Chiến nhấn mạnh.
Do đó, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, các cơ quan trung ương và Hà Nội phải phối hợp để thực hiện nhanh việc phê duyệt quy hoạch này. “Nếu hôm nay cứ chần chừ thì quỹ đất ngày mai có còn để thực hiện “giấc mơ” hay không?”, ông Chiến đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, việc phê duyệt quy hoạch đã dừng lại với lý do vướng dòng chảy. “Trong vài tháng tới, Hà Nội nên phê duyệt dự án này, không thể để chậm trễ, muộn nhất là đầu năm sau, bởi đây là mong mỏi của nhân dân thành phố, hiện thực giấc mơ của một thành phố bên sông”, ông Chính nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định, khi lấy ý kiến và xây dựng quy hoạch này, chúng ta đã có các căn cứ pháp lý về các Luật, quy định chuyên ngành của từng Bộ ngành như vấn đề lũ dòng chảy hàng trăm năm từ Bộ NN&PTNT, các chuyên gia từ Chính phủ… Hà Nội cũng đã qua nhiều cơ quan thẩm định mới ra được nội dung quy hoạch.
Ông Chiến một lần nữa khẳng định, quy hoạch đô thị sông Hồng phù hợp Luật Đê điều, phù hợp Quyết định số 257/QĐ-TTg. Bên cạnh vấn đề pháp lý, cơ sở khoa cũng đã được nghiên cứu và đảm bảo. Tiếp theo, là mô hình tổ chức đã được tham khảo, cần ngồi lại xem xét với Bộ chuyên môn và đề xuất Chính phủ xem xét. Cuối cùng, nguồn lực và sự đồng tình của người dân cũng là căn cứ thể hiện tính khả thi hay không khả thi của dự án.
“Khi thoả mãn các điều kiện này, hoàn toàn có thể phê duyệt quy hoạch để có công cụ pháp lý hình thành dự án và kêu gọi đầu tư”, ông Chiến nhấn mạnh.
Phương Trang