FECON cũng đang theo đuổi công tác nền móng cho một số dự án nhà máy nhiệt điện lớn ở miền Nam Myanmar
Theo đó, FECON Rainbow sẽ được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa FECON và Super Rainbow Construction (Myanmar), với mức sở hữu cổ phần tương ứng của các bên là 75% và 25%. Dự kiến, tháng 1/2016, FECON Rainbow sẽ chính thức ra mắt và bắt tay ngay vào dự án đầu tiên là xử lý nền cho Dự án mở rộng cảng quốc tế Thilawa của Myanmar.
FECON Rainbow ra đời nhằm nắm bắt những cơ hội đang mở rộng tại Myanmar sau cuộc bầu cử lịch sử vào tháng 11/2015 tại đất nước này và sự kiện thành lập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN ngày 31/12/2015. Cụ thể, năm 2016 được dự đoán sẽ là năm bùng nổ đầu tư tại Myanmar, với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng và bất động sản được đầu tư xây dựng.
Ngay bên cạnh Dự án mở rộng cảng quốc tế Thilawa mà FECON đã trúng thầu, đang hình thành một khu công nghiệp đặc biệt, rộng 2.400 héc-ta, với vốn đầu tư đến từ Chính phủ Nhật Bản, được trông đợi là động lực mạnh mẽ cho phát triển nền sản xuất công nghiệp của Myanmar. Ngoài ra, FECON cũng đang theo đuổi công tác nền móng cho một số dự án nhà máy nhiệt điện lớn ở miền Nam Myanmar.
Đáng chú ý, nhiều tổng thầu lớn của Nhật Bản là những đối tác thân thiết, truyền thống của FECON trong 10 năm qua như Taisei, Shimizu, Sumitomo, Toa, Toyo Construction, Penta Ocean…, đều đang chuẩn bị triển khai các dự án tại Myanmar và đối với họ, FECON đã có cơ hội chứng minh năng lực tại các công trình ở Việt Nam.
N.N