Nằm dưới chân núi Thầy ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), khu Du lịch Sinh thái và Vui chơi giải trí Tuần Châu (DA Tuần Châu) đã san phẳng một vùng trồng lúa, biến thành bãi đất hoang đầy cỏ dại.
Thu hồi đất lúa rồi... để hoang
Ông Nguyễn Văn Tích, một lão nông tri điền ở thôn Đa Phúc kể: "5 năm trước, lễ khởi công DA Tuần Châu diễn ra rầm rộ, hàng nghìn quan khách về dự. Lúc ấy chúng tôi vui lắm, vì ai cũng tưởng sẽ được đổi đời. Khi ấy, họ hứa với dân, chỉ sau một thời gian ngắn, DA sẽ đi vào hoạt động, sẽ tạo việc làm cho hàng trăm lao động là con em địa phương.
Thế nhưng đến bây giờ, "giấc mộng" Tuần Châu vẫn chỉ là bãi đất trống cỏ mọc um tùm, chưa có công trình nào mọc lên ngoài ngôi nhà Văn phòng DA một tầng bé xíu. Mất hết ruộng, việc làm cũng chẳng thấy đâu, chúng tôi thất nghiệp cả rồi".
Theo ông Tích, đợt 1 (2008) nhà ông bị thu hồi 1 sào, được đền bù 27 triệu đồng, cùng với lời hứa được 10% đất dịch vụ. Đến giờ vẫn chẳng thấy đất dịch vụ đâu. "Cầm đồng tiền bồi thường trong tay, chúng tôi tiêu hết rồi. Giờ mới thấy cái mình cần là ruộng để trồng lúa làm ra lương thực ăn hàng ngày. Tiền đền bù bao nhiêu tiêu chả hết, nay chẳng biết làm nghề gì để sống. Người ta thu hồi đất rồi làm DA ngay còn đỡ xót. Đằng này, lúa đang xanh bị thu hồi, rồi để đấy chứ có làm gì đâu!", ông Tích nói rồi thở dài.
![]() |
Dự án Tuần Châu thu hồi đất ruộng của dân, nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang
Văn phòng dự án nằm im lìm chết giấc
Anh Nguyễn Văn Ba, người dân thôn Đa Phúc phân trần: lúc đầu họ thu hồi đất và trả lại 10% đất dịch vụ, DA sẽ làm đường, điện, cống rãnh. Nhưng khi ký kết, nhận tiền rồi, không thấy đất dịch vụ đâu. Đến bây giờ, xã nói ai nộp 200.000 đồng/m2 thì chỉ được thuê đất 20 năm, ai nộp 600.000 đồng/m2 thì được cấp sổ đỏ. Số tiền đền bù đã tiêu hết, không còn đất để sản xuất, chúng tôi kiếm đâu ra tiền mà nộp".
Ông Phan Văn Lâm, nguyên là Chi hội phó Chi hội nông dân của thôn Đa Phúc (mới nghỉ được 3 tháng), là người đại diện cho dân Đa Phúc ký kết với Công ty Tuần Châu những thỏa thuận đền bù kể lại: năm 2008, DA đền bù 27 triệu đồng/sào, có người nhận tiền ngay, nhiều người kiên quyết không chấp nhận giá đó. Dây dưa mãi đến tận năm 2010, DA mới nâng giá đất đền bù lên 294 triệu đồng/sào (với trường hợp không cần đất dịch vụ). Hộ dân nào muốn có 10% đất dịch vụ, được đền bù 215 triệu đồng/sào. Người nhận đền bù với giá thấp trước kia phải chịu thiệt, không thể thắc mắc với ai.
Xa vời … "giấc mơ Tuần Châu"
"Phải thừa nhận rằng khi mở DA Tuần Châu, cũng đã có một số gia đình nâng được cuộc sống lên. Chẳng hạn, với 4 sào đất bị thu hồi, được đền bù hơn 800 triệu đồng, gửi tiết kiệm ngân hàng, khi lãi suất cao, cũng được 6-7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiê, số đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Với những hộ nhận tiền đền bù đợt đầu, số tiền ít, lại dùng tiền đó mua xe máy, sắm đồ dùng và sửa sang nhà cửa…, bây giờ không còn kế sinh nhai", ông Lâm nói
Theo ông Lâm, sự việc "ầm ĩ" lên từ cách đây vài tháng, khi Công ty Tuần Châu "bắn tin" họ không còn vốn để triển khai DA và dự định sẽ trả lại đất ruộng, khiến dân rất bức xúc. Ruộng đã bị đổ đất lên, mặt bằng bị phá vỡ, nếu trả lại ruộng, dân không thể trồng lúa được nữa. Nếu dân nhận lại ruộng, tức là họ phải trả lại tiền đền bù đã nhận trước đó.
Nghe đâu Công ty Tuần Châu còn đòi dân cả chi phi đổ đất lấp nền ruộng nữa (!, ?).
Được biết, tháng 5/2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy chứng nhận đầu tư DA Khu du lịch Sinh thái và Vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây cho Công ty cổ phần Tuần Châu, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng. Tháng 2/2008 khởi công DA, tháng 8/2008, Hà Tây sáp nhập về Tp.Hà Nội, DA Tuần Châu cũng như nhiều DA khác trên địa bàn Hà Tây phải tạm dừng để chờ quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng. Mãi đến tháng 7/2010, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5140/VPCP gửi UBND Tp.Hà Nội và Công ty CP Tuần Châu Hà Nội, đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch DA Tuần Châu theo hướng giữ nguyên tính chất là khu du lịch sinh thái, không xây dựng sân golf.
UBND xã Sài Sơn cho biết, theo kế hoạch, từ năm 2012 đến hết năm 2014, các hạng mục như khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học sẽ được thi công và đến hết năm 2016, toàn bộ DA hoàn thành. Thế nhưng đến thời điểm này, toàn bộ đất đã được thu hồi vẫn chỉ là bãi đất hoang. DA chậm triển khai khiến một lượng lớn đất nông nghiệp của dân bị lãng phí.
Trước đây cả xã có hơn 500 ha đất canh tác, nhưng có đến 460ha đất trồng lúa của Sài Sơn bị đưa vào quy hoạch DA, nay cả xã hầu như không còn đất trồng lúa. Nếu DA không tiếp tục triển khai, trả lại đất về cho dân, xã cũng không biết xử lý ra sao, dân không có tiền hoàn lại khoản đền bù, mà đất cũng không thể canh tác lúa được nữa.
Chu Chương