![]() |
Trước tình trạng giá nhà ở ngày một "leo thang" thì dự thảo Nghị quyết về nhà ở thương mại giá thấp vẫn còn nằm trên bàn giấy và chưa thể đi vào cuộc sống. (Ảnh: TL). |
Kể từ khi Bộ Xây dựng đưa ra dự thảo Nghị quyết phát triển nhà ở giá thấp, dưới 20 triệu đồng/m2, đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng Nghị quyết này vẫn chưa được đưa vào cuộc sống.
Giá nhà tăng từng ngày
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, các dự án chung cư thương mại mới được xây dựng tại Hà Nội đều có giá thấp nhất từ 25 triệu đồng/m2, tại TP. HCM có giá thấp nhất từ trên 30 triệu đồng/m2. Thậm chí tại TP. HCM, 2 năm trở lại đây không thấy xuất hiện phân khúc nhà giá thấp dưới 25 triệu đồng/m2.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, giá chung cư căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn rất ít, hầu như chỉ có ở các khu vực xa trung tâm.
Tại Hà Nội, đa số dự án chung cư mới được đầu tư xây dựng thuộc phân khúc trung cấp và có giá bán dao động khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2. Tại TP. HCM chung cư phân khúc trung cấp có giá cao hơn thị trường Hà Nội dao động từ khoảng 35 – 45 triệu đồng/m2. Đặc biệt, tại TP. HCM đa phần là chung cư cao cấp có mức giá từ 50 triệu đồng/m2 trở lên, cá biệt có dự án mức giá xấp xỉ 300 triệu đồng/m2.
Bộ Xây dựng cũng nhận định, giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng, còn theo quý bình quân tăng khoảng từ 5-10%.
Trở lại câu chuyện về dự thảo Nghị quyết phát triển nhà ở giá thấp, dưới 20 triệu đồng/m2 được Bộ Xây dựng đưa ra cách đây hơn 1 năm. Còn nhớ vào thời điểm đó, lãnh đạo Bộ này cho rằng, phân khúc nhà ở cao cấp phục vụ một số đối tượng đang cung vượt quá cầu. Trong khi phân khúc nhà ở giá rẻ diện tích dưới 70m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2 phục vụ đại đa số người dân còn hạn chế, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu người dân.
Theo đó, Bộ Xây dựng đưa ra hàng loạt các ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng như: lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây nhà ở thương mại giá thấp; được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án; được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất; được ưu đãi về vốn, lãi suất…
Được biết, Bộ này đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, trong đó tập trung vào một số ưu đãi: về đất đai; thuế; về quy hoạch, bố trí quỹ đất; thủ tục đầu tư xây dựng; cơ chế huy động vốn… và gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp.
Vẫn còn loay hoay
Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tư pháp, các chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp chưa được quy định trong Luật Đất đai (miễn, giảm tiền sử dụng đất), Luật Nhà ở (lựa chọn chủ đầu tư), Luật Thuế (miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp)… Trong khi đó, nghị quyết của Chính phủ không phải là hình thức văn bản quy phạm pháp luật sẽ khiến các địa phương gặp khó khi thực hiện nếu được Chính phủ ban hành.
Để giải quyết những khó khăn trên, Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp, thu nhập trung bình để sửa đổi, bổ sung đồng bộ vào Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai...
Cũng liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, theo các chuyên gia, việc Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-BXD, chính thức cho xây căn hộ diện tích nhỏ không quá 25m2 và tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45m2 không vượt quá 25% cũng là một trong các giải pháp tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận với nhà ở giá thấp.
Theo các chuyên gia, căn hộ có diện tích nhỏ sẽ giúp nhiều người lao động tiếp cận được giấc mơ nhà ở. Tuy nhiên, việc thực hiện Thông tư này vào thực tế không phải dễ dàng, thậm chí có thể gọi là phức tạp.
Trước đó, vấn đề làm căn hộ 25m2 đã nổ ra những cuộc tranh luận gay gắt trong giới chuyên môn. Riêng TP. HCM nhiều lần không đồng tình xây căn hộ 25m2 vì lo ngại loại nhà ở siêu nhỏ này sẽ làm đẩy nhanh hơn quá trình đô thị hóa, hệ lụy làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D thuộc DKRA Vietnam cho rằng, nhu cầu căn hộ nhỏ với giá trị nhỏ là có thật trên thị trường, nhưng không vì thế mà áp dụng cho cả thị trường BĐS. Sẽ có những hệ lụy đi theo mà nhiều người cũng đã lo ngại và đưa ra trước đó.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam nhận định, phân khúc nhà ở 25m2 không đơn thuần chỉ là khía cạnh vừa túi tiền mà còn cần có sự thuận tiện về giao thông, hạ tầng xã hội xung quanh cũng như tiện ích hợp lý. Đây có thể là thách thức với nhiều chủ đầu tư, nhưng đã có những dự án làm được và làm tốt.
Minh Trang