Như VnBusiness đã đưa tin, The Trump Organization - tập đoàn của cựu Tổng thống Donald Trump sẽ hợp tác đầu tư tổ hợp khách sạn, sân golf, khu dân cư, với dự án quy mô khoảng 1,5 tỷ USD, theo biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hưng Yên và Trump Organization tại Mỹ vào cuối tháng 9 vừa qua.
Đường đua tăng nhiệt
Dự án sẽ bao gồm hai sân golf 54 lỗ cùng với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng và khu phức hợp nhà ở hiện đại. Theo phân tích của Reuters, mảng kinh doanh sân golf và khu nghỉ dưỡng mang lại doanh thu lớn nhất cho Trump Organization, chiếm khoảng 80 triệu USD tiền mặt hàng năm.
Eric Trump, Phó Chủ tịch điều hành của tổ chức và là con trai của cựu Tổng thống Donald Trump, cũng bày tỏ sự hào hứng với tiềm năng của ngành khách sạn hạng sang và giải trí tại Việt Nam.
Cuộc đua ngành khách sạn tại Việt Nam ngày càng khốc liệt. |
Thực tế cho thấy, không chỉ có tập đoàn “họ” Trump, dư địa tăng trưởng du lịch mạnh mẽ đang đưa Việt Nam trở thành mục tiêu rót tiền của một loạt thương hiệu khách sạn toàn cầu hùng mạnh.
Theo báo cáo của Savills Hotels, sự đổ bộ của các thương hiệu khách sạn quốc tế vào Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Nhiều khách sạn nội địa đang tiến hành nhận nhượng quyền chuyển đổi hoặc nâng cấp lên thương hiệu quốc tế.
Savills Hotels dự báo trong vòng 3 năm tới, có khoảng 40% khách sạn trung, cao cấp tại Việt Nam liên kết với các thương hiệu nước ngoài (tăng 10% so với hiện tại). Trong 10 năm qua, số lượng khách sạn trung cao cấp ở Việt Nam mang thương hiệu quốc tế tăng gấp 4 lần, lên khoảng 200.
Trong một cuộc trao đổi mới đây, bà Alexandra Murray, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của Hilton Hotels & Resorts, cho hay công ty này sẽ tăng gấp đôi sự hiện diện ở Việt Nam trong vài năm tới để đón đầu nguồn khách du lịch từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Tại Việt Nam, Hilton đang điều hành 5 dự án khách sạn tại Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc và Đà Nẵng. “Với vị trí trung tâm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương kết hợp với sự gia tăng kết nối với các nước láng giềng giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến được ưa chuộng trong những năm tới”, bà Alexandra Murray nhìn nhận.
Thay đổi hoặc bị loại bỏ
Sự đổ bộ của các thương hiệu quốc tế lớn rõ ràng cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành khách sạn tại Việt Nam, song sự hiện diện của những cái tên mới cũng khiến mức độ cạnh tranh trong ngành thêm phần khốc liệt. Bài toán lấp đầy trở thành thách thức không nhỏ.
Các chuyên gia của Savills Hotels cảnh báo, bất chấp du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhưng ngành khách sạn Việt Nam tiếp tục tụt hậu về tỷ lệ lấp đầy, một phần do sự phục hồi chậm ở các thị trường khách trọng điểm là Nga và Trung Quốc. Thêm vào đó là nguồn cung phòng khách sạn trung, cao cấp tăng gần 25% trong 3 năm trở lại đây, vào khoảng 45.000 phòng.
Trước đó, hãng tư vấn bất động sản Knight Frank kêu gọi các nhà phát triển dừng triển khai các dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới ở các điểm ven biển của Việt Nam cho đến khi nhu cầu du lịch tăng lên, giúp lấp đầy nguồn cung phòng dư thừa hiện tại. Hãng này ước tính, mỗi năm có đến khoảng 20 triệu đêm phòng khách sạn 4 sao và 5 sao bị bỏ trống tại Việt Nam.
Một vài con số để cho thấy thị trường khách sạn Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Và để giành được lợi thế trong cuộc đua, nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đang nỗ lực làm mới mình. Một trong những giải pháp được đưa ra là chuyển đổi thương hiệu.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cho biết, kể từ sau đại dịch, thị trường ghi nhận rất nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn chuyển đổi thương hiệu.
Giai đoạn 2022-2023 đánh dấu tỷ lệ dự án chuyển đổi thương hiệu cao kỷ lục, chiếm đến 52% tổng số dự án mang thương hiệu khách sạn quốc tế được mở mới trong giai đoạn này. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục, với ước tính khoảng 30% tổng số dự án mang thương hiệu khách sạn quốc tế mở mới trong năm 2024 là dự án chuyển đổi thương hiệu.
Minh chứng, thời gian qua, một số khách sạn sau nhiều năm hoạt động cũng đang làm việc với nhà điều hành hiện tại để nâng cấp lên thương hiệu cao cấp hơn. Ví dụ, khách sạn Hilton Hà Nội Opera đang trong quá trình nâng cấp thành dự án mang thương hiệu Waldorf Astoria đầu tiên tại Việt Nam; Meliá Ba Vì Mountain Retreat sẽ được tái định vị thành Meliá Ba Vì Mountain; khách sạn InterContinental tại TP.HCM cũng đang được chuyển đổi thành JW Marriott...
Sở dĩ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng vào cuộc đua tái định vị thương hiệu, theo ông Mauro Gasparotti, là để nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, hấp dẫn du khách.
Có thể thấy, niềm tin đang dần trở lại, thị trường dần khởi sắc hơn, tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, giới chủ khách sạn cần liên tục làm mới mình để thuyết phục du khách "rút hầu bao". Khi miếng bánh thị phần thu hẹp lại, nếu các chủ đầu tư không có những chiến lược tốt, sự thích nghi kịp thời có thể bị đào thải.
Hưng Nguyên